1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Catalonia tuyên bố trái lệnh Tây Ban Nha

(Dân trí) - Người phát ngôn cơ quan đối ngoại Catalonia hôm nay 23/10 tuyên bố khu vực này sẽ không tuân thủ mệnh lệnh từ chính quyền trung ương mà chỉ nghe theo ý nguyện của người dân.

Người dân biểu tình ở thành phố Barcelona - thủ phủ vùng Catalonia (Ảnh: AFP)
Người dân biểu tình ở thành phố Barcelona - thủ phủ vùng Catalonia (Ảnh: AFP)

Người phát ngôn cơ quan đối ngoại Catalonia, ông Raul Romeva, hôm nay cho biết tất cả các thể chế, bao gồm cả lực lượng cảnh sát, cần tuân theo chỉ đạo từ chính quyền dân chủ do dân bầu ở vùng Catalonia. Theo ông Raul, nền dân chủ của Liên minh châu Âu (EU) sẽ không còn đáng tin nếu EU cho phép chính quyền Tây Ban Nha áp đặt quyền trực tiếp lên Catalonia.

“EU có còn đáng tin không nếu họ cho phép điều đó xảy ra? Những gì tôi muốn nói đó là người dân và các thể chế ở Catalonia sẽ không cho phép điều đó xảy ra”, ông Raul cho biết.

Phát biểu của người phát ngôn cơ quan đối ngoại Catalonia được đưa ra sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết Madrid muốn đình chỉ quyền lực, giải tán nghị viện Catalonia và tổ chức bầu cử sớm để thiết lập trật tự tại vùng tự trị này. Ông cũng đề nghị Thượng viện Tây Ban Nha sớm thông qua các đề xuất trên, đồng thời cho biết các bộ trưởng của chính quyền Tây Ban Nha sẽ tiếp quản quyền lực hiện tại của giới chức Catalonia.

Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Sáenz de Santamaría cho biết Madrid đã không có bất kỳ liên lạc nào với chính quyền Catalonia kể từ ngày 21/10. Theo bà Santamaría, nếu Thượng viện Tây Ban Nha phê chuẩn quyết định áp đặt thẩm quyền trực tiếp lên Catalonia thì lãnh đạo vùng tự trị này là ông Carles Puigdemont sẽ mất toàn bộ quyền lực và không còn được tiếp tục nhận lương. Thượng viện Tây Ban Nha dự kiến sẽ có phiên họp toàn thể vào sáng 27/10 để đưa ra quyết định về phản ứng của Madrid đối với Catalonia.

Cuộc khủng hoảng Catalonia bắt đầu từ ngày 1/10 sau khi chính quyền khu vực tổ chức cuộc trưng cầu dân ý “bất hợp pháp” và sử dụng kết quả gây tranh cãi này làm cơ sở tuyên bố độc lập vào ngày 10/10. Sau nhiều lần gia hạn chót để chính quyền Catalonia thay đổi quyết định nhưng bất thành, chính phủ Tây Ban Nha đã tính đến phương án kích hoạt điều 155 trong hiến pháp nước này nhằm xóa bỏ quyền tự trị của Catalonia.

Thành Đạt

Theo RT