1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cảnh tượng như "địa ngục trần gian" tại thành phố tiền tuyến ở Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Những hình ảnh mới cho thấy cảnh hoang tàn tại thành phố Maryinka ở vùng Donetsk, khu vực tiền tuyến khốc liệt nhất tại chiến trường Ukraine hiện nay.

Cảnh tượng như địa ngục trần gian tại thành phố tiền tuyến ở Ukraine  - 1

Cảnh quay từ trên không cho thấy những dấu vết của chiến tranh tại thành phố Maryinka, ở Donetsk (Ảnh: DM).

Những tàn tích còn lại bao quanh các mảnh vỡ khiến người xem có cảm giác về cảnh quan như địa ngục trần gian của một thành phố từng là nơi sinh sống của hơn 10.000 người. Nơi đây, mọi sự sống đã bị xóa sổ, cảnh quan hoang tàn, khói phủ quanh xám xịt.

Maryinka từ lâu đã là một chiến trường lớn trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm ngoái. Khi xung đột bùng nổ ở miền đông Ukraine vào năm 2014, thị trấn này đã bị bắn phá liên tục.

Nhưng các cuộc giao tranh càng dữ dội hơn kể từ sau ngày 24/2/2022 khiến không một tòa nhà nào ở đây còn nguyên vẹn.

Cảnh tượng như địa ngục trần gian tại thành phố tiền tuyến ở Ukraine  - 2

Thành phố Maryinka nằm ở đông nam Ukraine (Đồ họa: Getty).

Nhiều người hầu như không thể nhận ra đâu là nơi từng hiện diện các tòa nhà. Đạn pháo cũng đã khiến cây cối của thị trấn trở thành những que diêm, nhiều cây trong số đó bị xé toạc toàn thân.

Hỏa lực của xe tăng Nga, được ghi lại vào ngày 19/2, càng khiến mọi thứ thêm hoang tàn. Cảnh sát trưởng của Maryinka, Artem Schus, mô tả thị trấn của ông đã "bị phá hủy hoàn toàn".

Ngoài các binh sĩ ở lại chiến đấu, toàn bộ dân cư ở thành trì này đã được sơ tán "vì không có cách nào để dân thường sống ở đó", ông Schus nói. Tuy nhiên, theo cảnh sát trưởng Schus, hàng chục người dân ở đây đã thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Ông Schus cho biết, các lực lượng Nga liên tiếp tập kích, san bằng những đống đổ nát, cho nổ tung những bức tường vẫn trụ vững, để "phá hủy mọi chỗ ẩn nấp".

Cảnh tượng như địa ngục trần gian tại thành phố tiền tuyến ở Ukraine  - 3

Những gì còn sót lại ở đây tạo ra cảm giác về một khung cảnh lạc hậu, nơi mọi sự sống đã bị xóa sổ (Ảnh: AP).

Trong khi đó, chiến sự vẫn diễn ra khốc liệt và ngày càng hoành hành ở Bakhmut, hơn 100km về phía bắc.

Phó thị trưởng Bakhmut Oleksandr Marchenko cho biết, 4000 cư dân còn lại đang cầm cự tại những nơi trú ẩn không có khí đốt, điện hoặc nước, vì phía Nga đang nỗ lực giành quyền kiểm soát thành phố "gần như bị phá hủy" như Maryinka và Mariupol này.

Bakhmut, cách thủ đô Kiev khoảng 600km về phía đông nam, trong nhiều tháng là mục tiêu chính của cuộc tấn công dồn dập về phía đông của Moscow khi với các lực lượng Nga và tập đoàn quân sự tư nhân Wagner dần bao vây các lực lượng Ukraine.

Thành phố này có nguy cơ thất thủ khi với các lực lượng Nga hiện đang chiếm giữ phía đông, bắc và nam của thành phố và chỉ có một con đường ra ngoài, một tình huống mà chỉ huy hàng đầu của Ukraine Volodymyr Nazarenko mô tả là "địa ngục".

Giờ đây, việc di chuyển ra khỏi khu vực này đã trở nên quá nguy hiểm đối với những cư dân còn lại cuối cùng, khi có thêm nhiều người bị thương và thiệt mạng do pháo kích khi họ cố băng qua một cây cầu tạm vào ngày hôm qua.

Phó thị trưởng Marchenko đã cáo buộc quân đội Nga đang muốn biến thành phố nhỏ này thành một "Mariupol mới". "Không một tòa nhà nào còn nguyên vẹn. Họ muốn tiêu diệt Bakhmut giống như đã làm với Mariupol", ông nói. 

Cảnh quay bằng máy bay không người lái (UAV) gần đây cho thấy quy mô tàn phá ở Bakhmut trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng thành phố này đã bị phá hủy.

Lửa và khói bốc lên bầu trời từ các tòa nhà rực cháy trong khi tiếng súng và tiếng nổ liên tục vang lên từ bên trong những bức tường đổ nát. 

Mọi việc diễn ra trong bối cảnh có những tin cho rằng, quân đội Ukraine sắp rút quân khỏi Bakhmut sau khi đã phá hủy hai cây cầu quan trọng trong 2 ngày qua - trong đó có một cây cầu nối nó với thị trấn Chasiv Yar gần đó dọc theo tuyến đường tiếp tế cuối cùng còn lại.

Trong một cập nhật trên Twitter, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, việc phá hủy các cây cầu xảy ra khi các máy bay chiến đấu của Nga tiến sâu hơn vào vùng ngoại ô phía bắc của Bakhmut.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết, quân đội Ukraine có thể "tiến hành một cuộc rút quân hạn chế và có kiểm soát khỏi các khu vực đặc biệt khó khăn ở phía đông Bakhmut", đồng thời tìm cách ngăn đà tiến công của Nga ở đó và hạn chế các lối thoát về phía tây.

Việc chiếm được Bakhmut sẽ không chỉ giúp không quân Nga có đuợc lợi thế hiếm hoi trên chiến trường sau nhiều tháng thất bại, mà nó còn có thể phá vỡ các tuyến tiếp tế của Ukraine và cho phép các lực lượng của Moscow tiến về các thành trì khác của Ukraine ở khu vực Donetsk.

Tuy nhiên, Mykhailo Podolyak, cố vấn của văn phòng tổng thống Ukraine, ngày 6/3 tuyên bố sẽ không rút quân ra khỏi khu vực.

Một số báo cáo cũng nói về kế hoạch tăng viện, mặc dù Tổng thống Zelensky tuần trước nói rằng tình hình tại Bakhmut đang trở nên "ngày càng khó khăn hơn".

Ông chủ của Wagner, Yevgeny Prigozhin, mới đây cũng cho biết không thấy dấu hiệu nào cho thấy Ukraine chuẩn bị rút quân khỏi thành phố. Ông tuyên bố rằng trên thực tế, Kiev đã củng cố các vị trí ở đó.

"Quân đội Ukraine đang triển khai thêm quân và đang làm những gì có thể để giữ quyền kiểm soát thành phố", ông Prigozhin nói. "Hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đang kháng cự quyết liệt, và cuộc giao tranh ngày càng đẫm máu".

Trong khi đó, báo Sunday Times dẫn một nguồn tin quốc phòng cho biết, ngay cả khi Bakhmut thất thủ, điều đó sẽ "không tạo ra nhiều khác biệt về mặt chiến lược" vì các lực lượng Nga đã chiếm đóng những ngọn đồi xung quanh Bakhmut.

Sau khi để mất nhiều lãnh thổ vào nửa cuối năm 2022, các lực lượng của Nga đã được bổ sung thêm hàng trăm nghìn quân dự bị.

Trong khi đó, Kiev chủ yếu tập trung vào phòng thủ trong 3 tháng qua, hy vọng củng cố lực lượng chờ vũ khí mới hiện đại hơn mà phương Tây đã cam kết hỗ trợ để tiến hành chiến dịch phản công mới.

Theo Dailymail