Cảnh trớ trêu của dòng người chạy khỏi Nam Phi vì biến chủng Omicron
(Dân trí) - Những lo ngại về biến chủng mới Omicron khiến nhiều nước quyết định hạn chế đi lại với loạt quốc gia ở châu Phi, kéo theo làn sóng người nước ngoài vội vã rời khỏi khu vực này.
Valerie Leduc, một công dân Bỉ bị kẹt lại ở sân bay Johannesburg, tỉnh Gauteng của Nam Phi sau khi Thụy Sĩ cấm các chuyến bay từ quốc gia này vì lo ngại biến chủng Omicron. Leduc và một người bạn là Sander Verstraelen đã rất chật vật mới có thể đổi vé tại sân bay Johannesburg. Cuối cùng, họ cũng lên được chuyến bay hồi hương cất cánh từ Ethiopia 3 ngày sau đó với mức giá vé 1.130 USD.
"Chúng tôi cảm giác như vừa phạm một tội ác", Leduc, 30 tuổi, chia sẻ bức xúc khi kế hoạch trở về Bỉ của cô bằng chuyến bay hạ cánh ở Thụy Sĩ buộc phải hủy vì Thụy Sĩ tạm cấm nhập cảnh và quá cảnh người đến từ Nam Phi.
Rất nhiều công dân nước ngoài khác ở Nam Phi rơi vào hoàn cảnh tương tự của Leduc. Những tin đáng lo ngại về biến chủng Omicron cùng với phản ứng nhanh chóng của nhiều quốc gia trên thế giới đã kéo theo làn sóng người nước ngoài vội vã rời Nam Phi.
Giá vé máy bay từ Nam Phi đi các nước theo đó cũng tăng vọt. Ví dụ, giá vé từ Nam Phi về Anh tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 24h sau khi chính phủ Anh ban hành lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi chiều 26/11.
Sân bay ở Nam Phi bỗng chốc chật kín hành khách, ồn ào và hỗn loạn. Nhiều người mệt mỏi xếp hàng tại các quầy vé, nhiều người chờ đợi tại các quán cà phê trong sân bay hay có người hoang mang đề nghị sự giúp đỡ của đại sứ quán hoặc công ty lữ hành.
Nhiều người chọn cho mình giải pháp đặt vé bay từ Nam Phi sang một quốc gia châu Phi khác như Ethiopia hay Cộng hòa Congo - những nước chưa bị liệt vào "danh sách đỏ" đi lại.
"Tôi đến đây để dự đám cưới anh trai, nhưng giờ phải rời đi gấp. Một số người bạn của tôi đã lên máy bay trở về Anh ngay lúc lệnh cấm được ban hành và hiện đang mắc kẹt ở Frankfurt, Đức. Nhân viên sân bay cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra", Warren Coskey, một hành khách từ Ireland kẹt lại ở Nam Phi, cho biết.
Laura Herde, một nữ sinh 25 tuổi đến từ Đức, cũng bị mắc kẹt khi đang có chuyến du lịch cùng bạn bè ở Nam Phi. "Chúng tôi đã cố gắng đổi vé, nhưng không được. Không còn chuyến bay nào còn vé. Chúng tôi buộc phải mua một vé mới", cô cho biết.
Lượng khách đổ về sân bay Johannesburg tăng đột biến đến mức ban quản lý sân bay cũng bị động. Máy in tại các điểm xét nghiệm Covid-19 tại sân bay thậm chí hết mực chưa kịp thay.
"Họ không thể in kết quả xét nghiệm, nhân viên cũng không thể gửi kết quả email cho cơ quan phụ trách, còn người quản lý thì đang ở nhà", Robert Giebel, 36 tuổi, một chuyên gia địa chất người Đức, kể.
Giebel cho biết, theo quy định của chính phủ Đức, công dân hồi hương phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 trong vòng 24 giờ trước khi lên máy bay, thay vì chỉ cần chứng nhận tiêm chủng như trước kia. Đồng nghiệp của Giebel phải liên tục theo dõi tin tức thời sự và thông tin trên trang web chính phủ bằng điện thoại để cập nhật những quy định mới về nhập cảnh trong bối cảnh có nhiều lo ngại về biến chủng Omicron từ Nam Phi.
Họ không biết liệu họ có phải cách ly tại khách sạn sau khi trở về nước hay không hay chỉ cần cách ly tại nhà. "Thật bực mình", Ole Schroeder, một đồng nghiệp của Giebel, nói.
Biến chủng Omicron (tên khoa học là B.1.1.529) xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và Botswana, hiện đã xuất hiện ở một số nước như Israel, Anh, Italy và đặc khu hành chính Hong Kong. Sở dĩ biến chủng này gây hoang mang do có chứa khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai. Với lượng đột biến bất thường này, giới chuyên gia lo ngại biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên hơn.