1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cạnh tranh Mỹ - Trung và các thách thức với COP26

(Dân trí) - Những rào cản chính trị tại từng quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế vẫn tiếp tục "ngáng đường" thế giới hiện thực hóa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Cạnh tranh Mỹ - Trung và các thách thức với COP26 - 1

Mọi người tham gia một cuộc tuần hành khí hậu ở Brussels, Bỉ, trước hội nghị COP26 ở Glasgow, Anh (Ảnh: Reuters).

Năm 1778 tại Glasgow, Scotland, kỹ sư James Watt đã hoàn thiện động cơ hơi nước, góp phần tạo dựng nền tảng cho Cách mạng Công nghiệp. Hơn 200 năm sau, khi hội nghị COP26 diễn ra tại chính thành phố này, thế giới đang đứng giữa ngã tư đường vì những tác động không thể đảo ngược của cuộc cách mạng đến khí hậu toàn cầu.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc, được công bố hồi đầu năm 2021, đã cảnh báo rằng khả năng nhiệt độ Trái đất tăng cao hơn mức 1,5 độ C trong vòng hai thập niên tới là 50-50. Theo đó, nếu không có những nỗ lực nhanh chóng và kịp thời để cắt giảm khí thải, thế giới sẽ không thể nào đạt được mục tiêu về "giới hạn nóng lên" 1,5 độ C, thậm chí là 2 độ C.

Dù vậy, những rào cản chính trị tại từng quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế vẫn tiếp tục ngáng đường thế giới tiến đến mục tiêu.

Thách thức với COP26

Cạnh tranh Mỹ - Trung và các thách thức với COP26 - 2

Một người đàn ông giơ cao các hình chim cánh cụt trong cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu ở Tel Aviv, Israel ngày 29/10 (Ảnh: Reuters).

COP26, diễn ra tại Glasgow từ ngày 31/10 đến 2/11, là tên viết tắt của Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Đây là sự kiện thường niên được tổ chức kể từ năm 1995, dù COP26 đã bị trì hoãn một năm do đại dịch Covid-19.

Theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015, các nước đã đồng ý hành động để nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này, và sẽ nỗ lực để nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C - mục tiêu lý tưởng nhất. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, thế giới phải cắt giảm một nửa lượng khí thải trong một thập niên tới, và tiến đến "trung hòa carbon" (tức không có sự gia tăng ròng về khí thải) vào khoảng năm 2050.

Những điều này đều được ghi nhận trong thông cáo chung của các nhà lãnh đạo G20 sau hội nghị vừa diễn ra tại Italy, theo CNN. Thông cáo cũng nói rằng để đạt được mục tiêu "trung hòa carbon" vào giữa thế kỷ này, nhiều quốc gia thành viên sẽ cần nâng mức cam kết cắt giảm khí thải, hay còn được gọi là "Đóng góp do Quốc gia Xác định" (NDC), trong thập niên hiện tại.

Tuy nhiên, cam kết mới về cắt giảm khí thải của Trung Quốc được đệ trình vào tuần trước chỉ cao hơn một chút so với cam kết trước đó. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 31/10 cho biết nước này nhiều khả năng sẽ không thể đạt mục tiêu "trung hòa carbon" vào năm 2050. Thủ tướng Australia Scott Morrison phản đối từ bỏ than đá. Ấn Độ chưa đưa ra cam kết "trung hòa carbon" và cũng là một trong số ít các quốc gia phản đối việc từng bước chấm dứt sử dụng than đá.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, trong vai trò đồng chủ nhà COP26, đã cảnh bảo rằng hội nghị có nguy cơ đổ bể vì các nước vẫn chưa cam kết đủ để giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C. Ông cho rằng tiến bộ đạt được là quá ít ỏi và khả năng COP26 sẽ cho ra đời một thỏa thuận giúp mục tiêu này sống sót chỉ ở mức 6/10.

"Hiện tại, đừng nghi ngờ gì nữa, chúng ta có thể sẽ không đạt được và chúng ra phải thành thật với chính mình", ông Johnson nói, theo Guardian. Ông ví von rằng những cam kết được đưa ra đến nay như là "một giọt nước giữa đại dương đang nóng lên nhanh chóng".

Cạnh tranh Mỹ - Trung là rào cản

Cạnh tranh Mỹ - Trung và các thách thức với COP26 - 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại COP26 ngày 1/11 (Ảnh: Reuters).

Theo các nhà quan sát, sự gia tăng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cũng khiến các nỗ lực hợp tác chống biến đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn.

"Trở lại năm 2015 khi Hiệp định Paris được thông qua, Mỹ và Trung Quốc đang trong thời kỳ trăng mật và hai nước sẵn sàng đạt được đồng thuận và tạo ra đột phá trong các vấn đề khí hậu", ông Li nói với SCMP. "Bây giờ những điều kiện chính trị này không còn tồn tại nữa".

Trung Quốc, quốc gia xả khí nhà kính nhiều nhất thế giới, đã gây thất vọng với NDC mới mà họ đưa ra, trong đó đặt mục tiêu "trung hòa carbon" vào năm 2060. Theo nhà hoạt động Li Shuo của tổ chức môi trường Greenpeace East Asia, lựa chọn của Trung Quốc 6 năm sau hiệp định Paris, là biểu hiện của sự thiếu quyết tâm trong việc đẩy mạnh hành động vì khí hậu của một số nền kinh tế lớn.

"Nó cũng phản ánh sự nghi ngờ của Bắc Kinh về khả năng Mỹ thực hiện các mục tiêu giảm thải carbon và chi tiền chống biến đổi khí hậu", ông Li nói.

Những lo ngại trong nước cũng có thể là một yếu tố sau cuộc khủng hoảng điện gần đây tại Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến hơn một nửa số tỉnh thành của nước này và làm nổi bật những khó khăn trong việc từ bỏ các loại nhiên liệu như than đá. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các biện pháp để bảo vệ nguồn cung đồng thời thúc đẩy sản xuất than đá.

Về phía Mỹ, nhà hoạt động Li cảnh báo những cam kết của Washington có thể sẽ chỉ là những lời nói suông nếu Tổng thống Joe Biden không thể thuyết phục quốc hội ủng hộ hai cam kết: giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và tăng gấp đôi số tiền viện trợ cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Mọi con mắt sẽ đổ dồn lên Mỹ tại COP26, trong khi Nga và Trung Quốc đều không tham dự trực tiếp tại sự kiện quan trọng này. Trong khi đó, sau thời gian ngắn rút khỏi Hiệp định Paris theo quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump năm 2020, Mỹ đã chính thức quay trở lại thỏa thuận này hồi tháng 2.