Cảnh sát Philippines gõ cửa nhà dân để xét nghiệm ma túy
(Dân trí) - Cảnh sát Philippines đã đến gõ cửa từng nhà người dân ở Payatas, một trong những khu vực nghèo nhất ở thủ đô Manila, để yêu cầu xét nghiệm ma túy tại chỗ, bất chấp sự chỉ trích của các nhóm hoạt động nhân quyền.
Theo Reuters, cảnh sát Philippines ngày 23/8 đã mang theo các bộ dụng cụ xét nghiệm, gõ cửa từng nhà người dân ở Payatas, một trong những khu phố nghèo nhất ở thủ đô Manila để yêu cầu họ xét nghiệm ma túy tại chỗ. Với sự hộ tống của các quan chức địa phương, các sĩ quan cảnh sát đi tới các ngôi nhà ở Payatas và đề nghị người dân cung cấp mẫu nước tiểu để làm các xét nghiệm ma túy.
Một số người dân Payatas đã xếp hàng để chờ làm xét nghiệm, tuy nhiên cảnh sát hiện chưa cung cấp thông tin về số lượng người được cho là dương tính với ma túy. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương cũng không tiết lộ về cách thức xử lý đối với những người bị phát hiện sử dụng ma túy sau khi xét nghiệm và cả những người không tham gia xét nghiệm.
“Mục tiêu của chúng tôi là duy trì một khu vực không ma túy trong năm nay. Chúng tôi đề nghị cảnh sát giúp đỡ và chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ đó”, bà Marlene Ocampo, quan chức vùng Payatas cho biết.
Cũng theo bà Ocampo, chính quyền địa phương đã đồng ý chi tiền để tiến hành các cuộc xét nghiệm ma túy tự nguyện và miễn phí trong khoảng thời gian từ 4-5 tháng. Bà Ocampo cho biết không có người dân nào phàn nàn và nhiều người đã đồng ý tiến hành các cuộc xét nghiệm.
“Việc xét nghiệm cũng tốt cho chúng tôi. Chúng tôi trong sạch. Chúng tôi không sử dụng ma túy nên chúng tôi không sợ xét nghiệm”, Maria Luisa Valdez, một người bán hàng rong, cho biết.
Sự hoài nghi của các nhóm nhân quyền
Tuy nhiên, các nhóm hoạt động nhân quyền tỏ ra hoài nghi về các cuộc xét nghiệm ma túy của cảnh sát Philippines. Edre Olalia, người đứng đầu Liên đoàn quốc gia Luật sư nhân dân, cho rằng việc xét nghiệm chỉ là cái cớ để cảnh sát truy lùng các đối tượng sử dụng ma túy, đồng thời nghi ngờ tính “tự nguyện” của các cuộc xét nghiệm này.
“Đây có thể là hành vi trái pháp luật và vi hiến, đặc biệt khi nó được thực hiện một cách tràn lan, tùy tiện và không tự nguyện. Nó có thể vi phạm quyền riêng tư, sự tự vệ cũng như các giá trị cơ bản của con người. Nó nhắm mục tiêu vào người nghèo và mang tính phân biệt đối xử”, Edre Olalia nhận định.
Các nhóm nhân quyền từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động từ sau khi ông lên nắm quyền hồi tháng 6 năm ngoái. Các nhóm này cho rằng chiến dịch chống ma túy chủ yếu nhằm vào người nghèo và những người bị giết phần lớn là những người nghiện ma túy hoặc những đối tượng buôn bán ma túy quy mô nhỏ.
Hàng chục người Payatas đã thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy kéo dài suốt 14 tháng qua của Tổng thống Duterte. Người dân Payatas cho biết hơn 300 trong số 130.000 người dân ở Payatas đã nằm trong danh sách theo dõi về ma túy do các lãnh đạo địa phương lập ra từ năm ngoái.
Chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của Philippines hồi tuần trước với con số thiệt mạng lên tới hơn 90 người trong một tuần đã thổi bùng cơn giận dữ tại quốc đảo Đông Nam Á này. Đây là những đối tượng bị cảnh sát Philippines tiêu diệt trong một loạt cuộc đột kích trấn áp tội phạm mới được triển khai trong những ngày gần đây.
Hơn 12.500 người đã thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy tại Philippines kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức. Cảnh sát cho biết khoảng 3.500 người trong số này bị cảnh sát bắn chết vì hành vi chống cự trong các chiến dịch vây bắt. Trong khi đó, các nhóm nhân quyền tin rằng nhiều người bị giết bởi những kẻ ám sát, vốn được cảnh sát hậu thuẫn đằng sau hoặc được cho phép đội lốt “dân phòng”. Tuy nhiên, cảnh sát Philippines đã bác bỏ những cáo buộc này.
Thành Đạt
Tổng hợp