1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cảnh sát Myanmar bị cáo buộc sử dụng bạo lực khiến một quan chức thiệt mạng

Thành Đạt

(Dân trí) - Một quan chức thuộc đảng của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi thiệt mạng khi đang bị cảnh sát bắt giữ, trong khi biểu tình vẫn tiếp tục bùng phát khắp Myanmar.

Cảnh sát Myanmar bị cáo buộc sử dụng bạo lực khiến một quan chức thiệt mạng - 1

Cảnh sát dùng hơi cay đối phó với người biểu tình ở Yangon, Myanmar ngày 7/3 (Ảnh: AFP).

Nguyên nhân dẫn tới cái chết của Khin Maung Latt, một quan chức thuộc đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, Sithu Maung, một thành viên của quốc hội đã giải tán sau đảo chính, viết trên Facebook rằng Khin Maung Latt là quản lý chiến dịch tranh cử của ông và bị bắt giữ vào tối 6/3 tại Pabedan, thành phố Yangon.

Cảnh sát Myanmar từ chối bình luận về vụ việc này.

Những nghi vấn xuất hiện trên mạng xã hội cho rằng Khin Maung Latt, 58 tuổi, chết do bị đánh đập trong lúc đang bị giam giữ, sau khi ông này bị đưa ra khỏi nhà riêng.

"Ông ấy bị đánh đập và bị bắt trong một cuộc đột kích từ tối qua. Có vẻ như ông ấy đã trải qua một cuộc thẩm vấn khắc nghiệt. Thi thể của ông ấy đã được đưa ra khỏi bệnh viện quân y Mingaladon và đang trên đường tới nghĩa trang Yay Way", Tun Kyi, một thành viên của Hiệp hội cựu Tù nhân Chính trị, cho biết.

Ba Myo Thein, một thành viên của thượng viện Myanmar (đã bị giải tán sau cuộc đảo chính), cho biết có các báo cáo về những vết bầm tím trên đầu và cơ thể của Khin Maung Latt. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng ông đã bị tấn công bạo lực.

"Có vẻ như ông ấy đã bị bắt vào ban đêm và bị đánh đập nghiêm trọng. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Ba Myo Thein nói với Reuters

Tại Yangon và những nơi khác, cảnh sát và binh lính Myanmar vẫn tiến hành các cuộc đột kích hàng đêm sau giờ giới nghiêm (8 giờ tối). Các vụ bắt giữ được cho là diễn ra "dưới họng súng" và không có lệnh bắt giữ.

Hơn 1.000 người đã bị bắt giữ kể từ khi xảy ra đảo chính tại Myanmar từ đầu tháng trước.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra tại nhiều thành phố trên khắp Myanmar trong ngày 7/3.

Theo lời kể của các nhân chứng và các video trên mạng xã hội, lực lượng an ninh tại Bagan đã nổ súng vào người biểu tình phản đối đảo chính. Ít nhất 5 người bị thương khi cảnh sát trấn áp biểu tình ở Bagan. Những bức ảnh chụp lại cho thấy một thanh niên bị thương do trúng đạn cao su.

Các cuộc biểu tình cũng nổ ra tại 2 thành phố lớn nhất của Myanmar là Yangon và Mandalay. Cảnh sát đã bắn cảnh cáo, sử dụng hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông.

Liên Hợp Quốc ước tính hơn 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Myanmar kể từ khi đảo chính xảy ra tại nước này. Trong ngày đẫm máu nhất 3/3, ít nhất 38 người đã thiệt mạng.

Trong tuyên bố ngày 7/3, 9 tổ chức công đoàn lớn tại Myanmar kêu gọi người dân nước này "dừng làm việc" nhằm phản đối chính quyền quân sự.

"Tiếp tục các hoạt động kinh tế và kinh doanh như bình thường... sẽ chỉ có lợi cho quân đội khi họ kìm hãm nguồn năng lượng của người dân Myanmar. Đã đến lúc phải hành động để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta", liên minh các công đoàn tuyên bố.

Nhiều công đoàn tại Myanmar đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc đình công lớn trong thời gian sớm nhất. Các công đoàn lớn kêu gọi các thành viên đóng cửa nền kinh tế Myanmar để phản đối đảo chính.

Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao của chính quyền dân sự, trong đó có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và giành quyền kiểm soát đất nước. Quân đội cũng ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, sau khi cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar