1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cảnh sát khám nhà 2 phi công lái máy bay mất tích

(Dân trí) - Với việc trọng tâm cuộc điều tra máy bay của Malaysia Airlines mất tích giờ được chuyển sang phi hành đoàn và các hành khách trên máy bay, cảnh sát Malaysia chiều qua (15/3) đã khám nhà của hai phi công điều khiển chuyến bay MH370.

Theo tờ The Star, vào khoảng 14 giờ 40 phút chiều qua, 3 nhân viên cảnh sát đã xuất hiện tại cổng khu dân cư mà cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah của chuyến bay trên sinh sống, và rời đi vào khoảng 16 giờ 45 phút.

Khu nhà của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah được bảo vệ chặt chẽ
Khu nhà của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah được bảo vệ chặt chẽ

Báo giới đã bị cấm vào khu chung cư này, nên hiện chưa rõ họ có lấy bộ thiết bị mô phỏng chuyến bay trong ngôi nhà của ông này hay không.

Sau đó, đội cảnh sát trên đã tới nhà của cơ phó Fariq Abdul Hamid tại khu vực Shah Alam, vào khoảng 20 giờ 5 phút, và rời đi sau đó một tiếng.

Hiện có thông tin cho biết cơ quan điều tra sẽ nghiên cứu quan điểm chính trị và tôn giáo, cũng như thói quen đi lại của cơ trưởng và cơ phó chuyến bay trên. Ngoài ra, họ cũng sẽ điều tra các sở thích, thói quen của hai người này thông qua bạn bè.

Cuộc lục soát được thực hiện ngay sau khi thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak xác nhận với báo giới rằng, chiếc máy bay bị nghi đã chuyển hướng một cách có chủ ý bởi ai đó trên máy bay.

Các nhà điều tra cũng xác nhận rằng một máy bay được các radar quân sự theo dấu chính là chuyến bay MH370 bị mất tích của Malaysia Airlines, sau khi hệ thống thông tin liên lạc của máy bay bị tắt, trước khi nó tới bờ biển phía Đông của Malaysia cách đây một tuần, ông Najib nói.

Ông Zaharie học ngành hàng không tại trường hàng không Philippines, ở thành phố Pasay năm 1980, trước khi gia nhập Malaysia Airlines một năm sau đó.

Mô hình bay Boeing 777 tại nhà cơ trưởng Zaharie
Mô hình bay Boeing 777 tại nhà cơ trưởng Zaharie

Ông trở thành cơ trưởng đầu những năm 1990 và đã có kinh nghiệm 18.360 giờ bay. Các đồng nghiệp miêu tả ông là người vui vẻ nhưng “đam mê máy bay” chuyên nghiệp. Ông đã sưu tầm nhiều máy bay mô hình điều khiển từ xa, những chiếc trực thăng hai động cơ hạng nhẹ và cả máy bay đổ bộ.

Trong một bài viết trên diễn đàn X-Sim.de của Đức, Zaharie từng nói rằng ông đã tự xây dựng được một mô hình bay tại nhà.

“Khoảng một tháng trước, tôi đã hoàn thành việc lắp ráp FSX và FS9 với 6 màn hình”, một đoạn tin được ký tên cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah Boeing 777 Malaysia Airlines, đăng tải tháng 11/2012 viết.

FSX và FS9 là các trò chơi lái máy bay giả lập do hãng Microsoft sản xuất. Chúng có thể dễ dàng được mua trực tuyến.

Ngoài công việc trong ngành hàng không, ông cũng điều hành một mục trên Youtube dạy người xem cách sửa chữa các thiết bị gia dụng, ví dụ như máy điều hòa nhiệt độ.

Ai đã điều khiển máy bay mất tích?

Kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế đã quy định rằng an toàn cho buồng lái máy bay phải được duy trì ở mức cao. Các cửa buồng lái – được gia cố để chống đạn – phải được khóa ở bên trong trước khi máy bay rời sân bay.

“Do đó, với tôi chỉ có một vài giả thuyết”, Paul Yap, một giảng viên hàng không tại đại học bách khoa Temasek, Singapore nói. “Trước hết người có liên quan đến hành động có chủ ý đó là các phi công. Có thể một trong số họ hoặc cả hai”.

“Sau đó chúng ta sẽ cân nhắc giả thuyết những kẻ khủng bố buộc máy bay thay đổi lộ trình và tắt các bộ phát sóng bằng cách gây áp lực, có lẽ là dọa sát hại hành khách”, Yap nói.

Bộ phát sóng của chuyến bay MH370 bị tắt đi vào khoảng thời gian các nhà phân tích cho là máy bay đã đạt độ cao hành trình, và là thời điểm phi công thường rời buồng lái đi vệ sinh hoặc uống cà phê.

Những kẻ không tặc trong vụ 11/9 cũng đã tắt bộ phát sóng của 3 trong số 4 máy bay chúng khống chế.

Liệu có khả năng tấn công khủng bố?

Các thông tin của Interpol cho thấy hai hành khách lên máy bay bằng hộ chiếu đánh cắp “có lẽ không phải những kẻ khủng bố”, tổng thư ký Interpol Ronald Noble từng nhận định.

Adam Dolnik, một giảng viên về chủ nghĩa khủng bố tại đại học Wollongong, Úc cho biết ông nghi ngờ rằng một vụ khủng bố có tổ chức đứng đằng sau vụ máy bay Malaysia mất tích.

Trong khi những nhóm như Al-Qaeda “sẽ thích việc làm rơi một máy bay chở khách”, thì việc một máy bay của Malaysia Airlines trở thành mục tiêu có vẻ không phù hợp, còn những cuốn hộ chiếu bị đánh cắp có một “yếu tố nghiệp dư”, Dolnik nói.

“Những kẻ khủng bố không tiến hành cướp máy bay bởi cơ hội thành công đã giảm xuống”, ông nói và viện dẫn những khó khăn trong việc mang vũ khí lên máy bay và không chế các hành khách khác.

Đến nay cũng chưa có dấu hiệu nào về bất kỳ sự dính líu của kẻ khủng bố nào.

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng khả năng trên vẫn cần được xem xét thêm.

“Các cuộc điều tra nên tập trung vào động cơ tội phạm và khủng bố”, Rohan Gunaratna, một chuyên gia về khủng bố tại đại học công nghệ Nanyang của Singapore nói. “Có vẻ như máy bay đã bị bắt cóc bởi một nhóm hiểu biết về máy bay và an ninh trên máy bay. Có thể chúng được hỗ trợ bởi một nhóm giỏi dưới mặt đất”.

Malaysia chưa từng là mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố lớn. Nhưng các nhà phân tích khủng bố cho rằng đây là nơi trú ẩn của một số cá nhân bị nghi là các nhóm Hồi giáo vũ trang, ví dụ như nhóm Jemaah Islamiyah có liên hệ với Al-Qaeda.

Thanh Tùng
Tổng hợp