1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cảnh màn trời chiếu đất của dòng người tị nạn tiến về biên giới Mỹ

(Dân trí) - Hàng nghìn người tị nạn từ Honduras, Guatemala và El Salvador đã ồ ạt tiến về biên giới Mỹ với hy vọng có thể đến được “miền đất hứa” dù phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất suốt nhiều ngày qua.

Cảnh màn trời chiếu đất của dòng người tị nạn tiến về biên giới Mỹ

Khởi động hành trình

Đoàn người tị nạn chen chúc qua một cây cầu. (Ảnh: AFP)
Đoàn người tị nạn chen chúc qua một cây cầu. (Ảnh: AFP)

Vào ngày 12/10, tại thành phố San Pedro Sula của Honduras, nơi ngập chìm trong vấn nạn tội phạm, một nhóm gồm 160 người đã tập trung tại một trạm xe buýt và chuẩn bị bắt đầu một hành trình gian khổ. Họ lên kế hoạch di chuyển trong hơn một tháng để đến miền đất hứa, nơi có thể giúp họ thoát khỏi tình trạng thất nghiệp cũng như cuộc sống bạo lực tại quê nhà.

Những đoàn người tị nạn trước đây thường chỉ có khoảng vài trăm người. Tuy nhiên lần này, một cựu chính trị gia đã đăng kế hoạch tị nạn của nhóm người Honduras lên Facebook khiến thông tin được lan truyền nhanh chóng và số lượng người tham gia ngày càng đông.

Bản đồ hành trình di chuyển của đoàn người tị nạn (màu vàng). (Nguồn: BBC)
Bản đồ hành trình di chuyển của đoàn người tị nạn (màu vàng). (Nguồn: BBC)

Tính đến thời điểm nhóm tị nạn khởi hành vào sáng 13/10, hơn 1.000 người Honduras đã tham gia hành trình này. Đoàn người sau đó đi qua quốc gia láng giềng Guatemala và sau đó là Mexico. Trên đường đi, hàng nghìn người khác tiếp tục gia nhập đoàn tị nạn.

Lý do rời bỏ quê hương

Hầu hết những người tị nạn nói rằng họ muốn tìm kiếm một cuộc sống mới và các cơ hội sống tốt đẹp hơn ở Mỹ hoặc Mexico. Những người khác nói rằng họ muốn thoát khỏi tình trạng bạo lực đang diễn ra tại quê nhà và có ý định nộp hồ sơ xin tị nạn.

Đoàn người tị nạn đi bộ trên cao tốc dọc biên giới Guatemala - Mexico. (Ảnh: Reuters)
Đoàn người tị nạn đi bộ trên cao tốc dọc biên giới Guatemala - Mexico. (Ảnh: Reuters)

Honduras, quốc gia với 9 triệu dân, đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải như bạo lực phe nhóm, cuộc chiến ma túy và tham nhũng. Đây cũng là một trong những nơi có tỷ lệ tội phạm giết người cao nhất thế giới.

“Giấc mơ của chúng tôi là đặt chân đến Mỹ, chúng tôi muốn con chúng tôi có tương lai tốt đẹp hơn. Ở Honduras, chúng tôi không tìm được việc làm”, một bà mẹ hai con nói với báo El Heraldo.

Mặc dù cảnh người dân Trung Mỹ tìm cách bỏ trốn khỏi quê nhà để tới Mỹ không còn là chuyện hiếm gặp, song những đoàn tị nạn có tổ chức như thế này được cho là khá mới.

Những đứa trẻ theo cha mẹ đi tị nạn. (Ảnh: Reuters)
Những đứa trẻ theo cha mẹ đi tị nạn. (Ảnh: Reuters)

Trước đây, nhiều người tị nạn từng bị các đối tượng buôn người và băng nhóm ma túy bắt cóc để buộc họ phải làm việc cho chúng. Trong khi đó, nếu di chuyển thành từng nhóm đông như bây giờ, những người tị nạn sẽ được bảo vệ tốt hơn và tránh được nguy cơ bị bắt cóc.

Quy mô đoàn người tị nạn

Theo BBC, rất khó để thống kê chính xác có bao nhiêu người tham gia đoàn tị nạn hiện tại. Số người tham gia liên tục tăng lên khi đoàn người di chuyển về phía bắc, tiến gần biên giới Mỹ - Mexico.

Những người Honduras tìm mọi cách để vượt qua hành trình tị nạn. (Ảnh: Reuters)
Những người Honduras tìm mọi cách để vượt qua hành trình tị nạn. (Ảnh: Reuters)

Một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết hơn 7.000 người đã tham gia đoàn tị nạn tính đến ngày 22/10. Đây là số liệu ước tính của Tổ chức Tị nạn Quốc tế.

Tuy nhiên, đoàn người tị nạn này trên thực tế còn chia nhỏ ra. Do vậy rất khó xác định con số chính xác.

Một số người tị nạn đã đến thành phố Tapachula của Mexico, trong khi một số khác vẫn đang ở biên giới Guatemala - Mexico.

Những người phụ nữ vượt qua biên giới Honduras - Guatemala (Ảnh: Reuters)
Những người phụ nữ vượt qua biên giới Honduras - Guatemala (Ảnh: Reuters)

Một nhóm mới được thành lập khác gồm khoảng 1.000 người, chủ yếu là người tị nạn Honduras, cũng đang tiến về phía Mỹ.

Tuy vậy, hơn 3.000 người Honduras đã bỏ cuộc và quay về nhà.

Hành trình gian nan

Một em nhỏ ngủ ngay trên đường khi cùng gia đình đi tị nạn. (Ảnh: Reuters)
Một em nhỏ ngủ ngay trên đường khi cùng gia đình đi tị nạn. (Ảnh: Reuters)

Đối với những người tham gia đoàn tị nạn, hành trình đến “miền đất hứa” của họ rất mệt mỏi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thời tiết nắng nóng dẫn tới tình trạng cháy nắng và mất nước. Đây là nguy cơ thường xuyên xảy ra. Những người tị nạn buộc phải dùng ô hoặc những mảnh bìa cứng để bảo vệ mình.

Các tình nguyện viên phát đồ ăn cho đoàn người tị nạn Honduras ở Guatemala. (Ảnh: Reuters)
Các tình nguyện viên phát đồ ăn cho đoàn người tị nạn Honduras ở Guatemala. (Ảnh: Reuters)

Nhiều người đã ngất sau khi đi bộ liên tục 6 ngày trong suốt hành trình tị nạn. Họ buộc phải ngủ ngay trên đường hoặc trong các lều tạm, đồng thời phải sống trong cảnh thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh.

Đoàn tị nạn luôn ở trong tình trạng thiếu đồ ăn. Một số người dân địa phương đã tiếp tế đồ ăn cho họ.

Một ông bố bảo vệ con trong vụ xô xát xảy ra tại trạm gác biên giới giữa Mexico và Guatemala. (Ảnh: Reuters)
Một ông bố bảo vệ con trong vụ xô xát xảy ra tại trạm gác biên giới giữa Mexico và Guatemala. (Ảnh: Reuters)

Tại khu vực biên giới giữa Guatemala và Mexico, nơi người tị nạn phải xếp thành hàng dài để chờ nhân viên kiểm soát biên giới kiểm tra giấy tờ của họ, đã xảy ra những cuộc xung đột dữ dội. Một số người tị nạn đã ném đá về phía cảnh sát, trong khi cảnh sát ném hơi cay về phía người tị nạn. Một số người đã bị thương trong lúc xô xát.

Phản ứng của Mỹ

Người tị nạn và cảnh sát đối đầu nhau tại khu vực biên giới. (Ảnh: Reuters)
Người tị nạn và cảnh sát đối đầu nhau tại khu vực biên giới. (Ảnh: Reuters)

Không giống các đợt tị nạn với quy mô nhỏ hơn trước đây, đợt tị nạn lần này đã gây chú ý với Tổng thống Donald Trump.

Ngày 22/10, Tổng thống Trump chỉ trích các quốc gia Trung Mỹ vì cho phép người dân rời khỏi quê nhà và tị nạn “bất hợp pháp” tới Mỹ. Ông Trump cũng dọa sẽ cắt viện trợ cho những nước này.

Theo Tổng thống Trump, dòng người đang tiến về biên giới Mỹ không chỉ có người tị nạn mà còn có “tội phạm và những đối tượng Trung Đông chưa rõ danh tính”. Ngày 25/10, Bộ An ninh Nội địa Mỹ được cho là đã đề nghị Lầu Năm Góc đưa lực lượng quân đội tới biên giới với Mexico và số binh sĩ thường trực dự kiến được triển khai từ 800 - 1.000 quân để đối phó với dòng người tị nạn.

Một bé trai Honduras cùng mẹ đi qua bụi rậm khi tìm cách nhập cảnh trái phép vào Mỹ qua biên giới Mexico. (Ảnh: Reuters)
Một bé trai Honduras cùng mẹ đi qua bụi rậm khi tìm cách nhập cảnh trái phép vào Mỹ qua biên giới Mexico. (Ảnh: Reuters)

Hiện vẫn có khoảng 2.100 thành viên thuộc Vệ binh Quốc gia Mỹ được triển khai dọc biên giới với Mexico. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ An ninh Nội địa đánh dấu lần đầu tiên quân đội thường trực Mỹ được triển khai trên quy mô lớn để hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ biên giới dưới thời Tổng thống Trump.

Thành Đạt

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm