1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều: Vừa hé đã khép

(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Kim Jong-un khiến nhiều người lo ngại rằng cánh cửa đối thoại vừa mới hé mở giữa Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ khép lại nhanh chóng sau động thái của Washington.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP)

Việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore, vừa nhận được sự ủng hộ, vừa vấp phải làn sóng chỉ trích tại Mỹ.

Những người phản đối Tổng thống Trump nói rằng ông đã bỏ lỡ một cơ hội ngoại giao vốn rất khó khăn mới đạt được với Triều Tiên. Họ cũng cảnh báo nhà lãnh đạo Mỹ về nguy cơ thổi bùng căng thẳng với các đồng minh như Hàn Quốc và khiến Trung Quốc không còn sẵn sàng gây sức ép về kinh tế với Triều Tiên.

Trong khi đó, một số nhà quan sát Triều Tiên nhận định quyết định hủy họp của Tổng thống Trump là đúng đắn. Theo các chuyên gia, Triều Tiên không tạo cho nhà lãnh đạo Mỹ niềm tin thực sự rằng nước này sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Do vậy, Tổng thống Trump có quyền hủy hội nghị thượng đỉnh ở thời điểm hiện tại, đồng thời tiếp tục “nghe ngóng” mức độ quan tâm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đối với các cuộc đàm phán quan trọng.

“Tôi không nghĩ rằng cánh cửa sẽ khép lại. Ông ấy (Donald Trump) chỉ đang thử nghiệm xem mức độ thiện chí của ông Kim Jong-un đến đâu. Chúng ta nên nhớ lý do ông Kim Jong-un chấp nhận tới cuộc gặp này. Các lệnh trừng phạt đã phát huy tác dụng. Họ đang phải đối mặt với vấn đề về kinh tế. Tôi không nghĩ đây là phía cuối con đường”, Olli Heinonen, cựu Phó Giám đốc tại cơ quan hạt nhân Liên Hợp Quốc, nói với AP.

Một câu hỏi lớn được đặt ra bây giờ là ông Kim Jong-un sẽ phản ứng như thế nào?

Phản ứng của các bên

Triều Tiên sẽ nối lại các vụ thử tên lửa sau tuyên bố hủy họp của Mỹ? (Ảnh minh họa: KCNA)
Triều Tiên sẽ nối lại các vụ thử tên lửa sau tuyên bố hủy họp của Mỹ? (Ảnh minh họa: KCNA)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận được thông báo hủy họp của Tổng thống Trump đúng vào ngày Triều Tiên phá dỡ khu thử hạt nhân trước sự chứng kiến của các phóng viên quốc tế - những người chưa từng có cơ hội tiếp cận với khu vực này. Đây được đánh giá là động thái tích cực của Bình Nhưỡng trên con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Họ sẽ cảm thấy bị phản bội. Đây là cái cớ phù hợp để Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa mà họ đã tạm dừng suốt 6 tháng qua, bắt đầu bằng các tên lửa tầm ngắn”, chuyên gia Mark Fitzpatrick từ Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Anh nhận định.

Tuy vậy, phản ứng trên thực tế của Triều Tiên sau tuyên bố hủy họp của Tổng thống Trump khá ôn hòa, khác với giọng điệu thường thấy của Bình Nhưỡng.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Gye Gwan cho biết nước này sẵn sàng ngồi xuống đối thoại với Mỹ “vào bất kỳ thời điểm nào, dưới bất kỳ hình thức nào”. Trong tuyên bố được phát trên truyền thông nhà nước Triều Tiên, ông Kim Gye Gwan nói rằng quyết định của Tổng thống Trump “rất đáng tiếc” và cho thấy tình trạng thù địch “thâm căn cố đế” giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời phản ánh mức độ cấp bách của việc hai nước cần tổ chức một nghị thượng đỉnh song phương nhằm “cải thiện quan hệ”.

Ngay trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Trump vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Tuy nhiên, nội dung bức thư cũng khiến người đọc liên tưởng tới mối đe dọa hạt nhân hồi năm ngoái khi Triều Tiên từng dọa sẽ tấn công lục địa Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Vào thời điểm đó, do bực tức với những phát ngôn cứng rắn của Triều Tiên, ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn cảnh báo ông Kim Jong-un về kích cỡ nút bấm hạt nhân trên bàn làm việc.

“Các ông từng nói về năng lực hạt nhân của các ông, nhưng năng lực hạt nhân của chúng tôi uy lực và mạnh mẽ đến mức tôi cầu Chúa rằng chúng (hạt nhân) sẽ không bao giờ được sử dụng”, Tổng thống Trump viết trong thư.

“Tôi nghĩ nhìn chung thông điệp do tổng thống đưa ra là lịch sự, mặc dù việc ông ấy đề cập tới vũ khí hạt nhân của Mỹ khiến tôi cảm thấy như một lời đe dọa”, Christopher Hill, nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ với Triều Tiên dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush nhận định.

Một loạt tuyên bố mang tính khiêu khích từ Triều Tiên, như việc gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là “kẻ ngu ngốc về chính trị” và đe dọa đối đầu hạt nhân với Mỹ, là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng chưa sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của các cố vấn cấp cao trong chính quyền Trump như cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Theo ông Hill, hành động hủy họp của Tổng thống Trump là cần thiết vì nhà lãnh đạo Mỹ “đột nhiên nhận ra rằng Triều Tiên vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này mà không nhận lại được gì”. Mặc dù vậy, nhiều người không đồng tình với quan điểm này.

Làn sóng chỉ trích

Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng trừng phạt kinh tế Triều Tiên. Trong ảnh: Ông Kim Jong-un bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng trừng phạt kinh tế Triều Tiên. Trong ảnh: Ông Kim Jong-un bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích khi chính quyền của ông bị cho là không thể đặt nền móng cho một cuộc gặp cấp cao với Triều Tiên - một quốc gia đối đầu với Mỹ suốt nhiều thập niên qua.

“Từng vội vàng đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh và sau đó lại là người hủy bỏ sự kiện đó, Tổng thống Trump phải hiểu rằng chính ông đã làm suy yếu Mỹ và khiến Mỹ rơi vào tình thế bị cô lập hơn”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhận định.

James Aton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng Tổng thống Trump đang bị bỏ lại trên con đường ngoại giao khó khăn nhằm duy trì chiến dịch “gây sức ép tối đa” do Mỹ dẫn đầu để buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Theo Aton, Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên, sẽ ca ngợi động thái phá hủy khu thử hạt nhân của Triều Tiên và có xu hướng nới lỏng trừng phạt kinh tế nhằm vào Bình Nhưỡng. Chuyên gia Aton cũng dẫn các báo cáo cho thấy quan hệ thương mại Trung - Triều đã tái khởi động lại gần đây.

“Triều Tiên đã làm đủ những gì cần làm để xoa dịu Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ mở ra con đường sống cho Triều Tiên”, ông Aton nhận định.

Ngoài ra, việc hủy bỏ cuộc gặp cấp cao với Triều Tiên cũng làm tổn hại tới mối quan hệ giữa chính quyền Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - người vừa có chuyến thăm tới Nhà Trắng. Tổng thống Moon đã bỏ rất nhiều tâm sức để cải thiện quan hệ với Triều Tiên dù Bình Nhưỡng vừa tuyên bố hủy cuộc gặp cấp cao với Seoul để phản đối cuộc tập trận chung của liên minh Mỹ - Hàn.

Tổng thống Moon là người đóng vai trò trung gian để hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể diễn ra. Vậy nhưng, chính quyền Hàn Quốc hoàn toàn bất ngờ trước quyết định hủy họp của Tổng thống Trump, thậm chí phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc còn nói rằng nước này sẽ “cố gắng giải mã ý định thực sự” của nhà lãnh đạo Mỹ. Đây là dấu hiệu đáng quan ngại cho thấy sự thiếu kết nối về ngoại giao giữa hai đồng minh thân cận.

Thành Đạt

Tổng hợp