1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguồn cơn khiến ông Trump đột ngột quyết định hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều

(Dân trí) - Những lý do dẫn tới việc Tổng thống Donald Trump quyết định hủy cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Triều Tiên không chỉ xuất phát từ phía Mỹ mà còn bắt nguồn từ những động thái gây căng thẳng của Triều Tiên trong giai đoạn nhạy cảm.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Vào sáng sớm ngày 24/5, sau hàng loạt cuộc gọi với một nhóm cố vấn cấp cao, Tổng thống Donald Trump đã công bố bức thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un thông báo cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều bị hủy bỏ. Xét đến mối quan hệ thăng trầm trong hàng chục năm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, động thái này của ông chủ Nhà Trắng không gây quá nhiều bất ngờ. Thậm chí trước khi thông báo hủy họp chính thức được đưa ra, cả Tổng thống Trump và chính quyền Triều Tiên đều từng ngụ ý tới khả năng diễn ra kịch bản này.

Liệu quyết định hủy họp có phải là cách mà Tổng thống Trump, một tỷ phú từng gặt hái được không ít thành công trên thương trường, giành ưu thế trước Triều Tiên? Hay đây là chỉ là “màn dạo đầu” trước khi hai nhà lãnh đạo chính thức bước vào bàn đàm phán khác với xác suất thành công cao hơn? Ngay trong bức thư gửi Chủ tịch Kim Jong-un, ông Trump vẫn để ngỏ cơ hội hợp tác với Triều Tiên và hứa hẹn ngày gặp mặt.

Theo giới phân tích, thông báo hủy cuộc gặp không có nghĩa là hai nhà lãnh đạo sẽ không bao giờ gặp mặt. Một cuộc gặp khác có thể sẽ được tổ chức trong tương lai, tuy nhiên sẽ vấp phải nhiều khó khăn hơn so với kế hoạch lần đầu tiên. Để đáp trả Tổng thống Mỹ, ông Kim Jong-un có thể sẽ tìm cách hủy bỏ nếu được đề xuất gặp mặt lần thứ hai. Mục đích của nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa để giữ thể diện cho chính ông, và cũng vừa để tạo nền tảng cho một cuộc gặp chính thức diễn ra sau đó với khả năng thành công cao hơn.

Thiếu hụt lòng tin

Bức thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Nhà Trắng)
Bức thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Nhà Trắng)

Có nhiều nguyên nhân khiến kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều bị đổ vỡ, song một trong những lý do dễ nhận thấy nhất là kỳ vọng của hai nước quá khác biệt nhau. Mỹ mong muốn một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và vĩnh viễn, trong đó Triều Tiên phải từ bỏ toàn bộ số tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân để đổi lấy những lời hứa hẹn viện trợ kinh tế từ Washington. Trong khi đó, chính quyền Kim Jong-un kỳ vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ trừng phạt kinh tế, đổi lại Bình Nhưỡng “cuối cùng” sẽ phi hạt nhân hóa theo một lộ trình “đồng bộ” và chia theo “từng giai đoạn”.

Những gì mà Mỹ và Triều Tiên kỳ vọng ở bên còn lại đều khiến cả hai nước không cảm thấy hài lòng và an tâm. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do thiếu đi nền tảng lòng tin trong quan hệ song phương. Triều Tiên có thể lấy trường hợp của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi “làm gương” khi ông này bị sát hại ngay sau khi thỏa thuận với Mỹ nhằm từ bỏ chương trình hạt nhân của Libya. Hay gần đây nhất là số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran khi Tổng thống Trump sẵn sàng đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận quốc tế này để theo đuổi cách tiếp cận riêng với chính quyền Tehran.

Về phần mình, Triều Tiên cũng không tạo cho Mỹ niềm tin thực sự. Trong nhiều năm qua, chính quyền Bình Nhưỡng từng đưa ra nhiều cam kết, thậm chí từng đặt bút ký nhiều thỏa thuận quốc tế quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các thỏa thuận này đều bị Bình Nhưỡng xé bỏ, dù là bí mật hay công khai.

“Nếu không thể giải quyết tất cả các vấn đề, việc (Mỹ - Triều) đạt được một thỏa thuận cũng không khác nào một thỏa thuận hạt nhân từng bị hủy bỏ với Iran”, Tướng Mỹ Wesley Clark bình luận trên CNBC.

Trong thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Trump đã đề cập tới “cơn giận dữ thái quá và thái độ thù địch công khai” của Triều Tiên khiến Mỹ cảm thấy hội nghị thượng đỉnh song phương không còn phù hợp với mong muốn của Washington. Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng cho biết “Triều Tiên liên tục không giữ lời hứa khiến Mỹ quyết định hủy họp” dù những lời hứa này từng do chính Bình Nhưỡng đưa ra trong hai chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Triều Tiên trong tháng 4 và tháng 5.

Quan chức Mỹ nói rằng phái đoàn Triều Tiên đã không tới gặp đoàn tiền trạm của Nhà Trắng tại Singapore và cũng không thông báo trước việc này dù trước đó hai bên đã nhất trí sẽ gặp mặt để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh. Ngoài ra, Triều Tiên cam kết sẽ cho phép các chuyên gia quốc tế giám sát quá trình phá hủy bãi thử hạt nhân, nhưng cuối cùng chỉ một nhóm phóng viên được quan sát quá trình này. Ngoại trưởng Pompeo cũng đổ lỗi cho Triều Tiên, nói rằng Bình Nhưỡng đã không đáp ứng các yêu cầu của Mỹ về việc kết nối các nhóm hậu cần chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh dù trước đó đã nhất trí sẽ hợp tác với Washington.

Tuyên bố gây căng thẳng

Ông Kim Jong-un thị sát dự án đường tàu vừa hoàn thiện của Triều Tiên trong bức ảnh được công bố ngày 24/5 (Ảnh: KCNA)
Ông Kim Jong-un thị sát dự án đường tàu vừa hoàn thiện của Triều Tiên trong bức ảnh được công bố ngày 24/5 (Ảnh: KCNA)

Một quan chức Mỹ nhận định việc Triều Tiên phá vỡ hàng loạt cam kết trong những tuần vừa qua và không duy trì liên lạc trực tiếp với Mỹ cho thấy sự thiếu hụt lòng tin nghiêm trọng giữa hai nước. Đây chính là nguồn cơn dẫn tới quyết định hủy họp của Mỹ vì ông Trump có thể cho rằng Bình Nhưỡng đang thiếu tôn trọng Washington. Trong khi đó, các quan chức hai bên liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhằm vào nhau khiến mối quan hệ vốn rất mong manh ngày càng trở nên căng thẳng. Một ngày trước khi Tổng thống Trump tuyên bố hủy họp, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết Bình Nhưỡng “không bao giờ van xin Mỹ đối thoại và cũng không bao giờ mất công đi thuyết phục họ (Mỹ) nếu họ không muốn ngồi xuống cùng chúng tôi”.

Theo CNN, lý do khiến Tổng thống Trump rút khỏi cuộc gặp dự kiến diễn ra tại Singapore có thể xuất phát từ tuyên bố gây tranh cãi gần đây của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là “kẻ ngu ngốc”. Bình Nhưỡng nói ông Pence đã có phát ngôn “khinh suất” khi tuyên bố Triều Tiên sẽ giống như Libya và rằng chưa bao giờ loại cảnh báo giải pháp quân sự với Triều Tiên khỏi bàn đàm phán. Giới phân tích cho rằng việc Triều Tiên chĩa mũi dùi tấn công vào “phó tướng” của ông Trump có thể đã chọc giận nhà lãnh đạo Mỹ cũng như giới chức nước này, dẫn tới quyết định hủy họp như một động thái trả đũa.

Theo New York Times, khi Triều Tiên liên tục phát tín hiệu căng thẳng, Tổng thống Trump có thể muốn hủy họp để có thêm thời gian chuẩn bị. Nhà lãnh đạo Mỹ được cho là ngày càng quan ngại về việc cuộc gặp này có thể sẽ biến thành tình huống rắc rối về chính trị nếu các bên không tìm được tiếng nói chung. Wallace C. Gregson, cố vấn cấp cao tại tổ chức Avascent International và giám đốc cấp cao về Trung Quốc và Thái Bình Dương tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia, nhận định với National Interest rằng việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều bị hủy đã mang lại lợi thế về thời gian không chỉ cho Mỹ và còn cho cả đồng minh của Mỹ để xem xét các chính sách và chiến lược mới trước khi đối phó với Triều Tiên.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm