1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga sẽ hậu thuẫn Hy Lạp vượt qua khó khăn

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moskva sẽ hỗ trợ Hy Lạp vượt qua thời điểm khó khăn nhất về tài chính sau khi người dân nước này nói “không” trước các điều khoản cứu trợ mà các chủ nợ đưa ra.

Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm 6/7, ông Putin cam kết sẽ ủng hộ Hy Lạp vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết, cuộc điện đàm được ông Tsipras chủ động thực hiện và lãnh đạo hai nước đã thảo luận về kết quả cuộc trưng cầu ý dân hôm 5/7, cùng với đó là một số nội dung liên quan đến việc tăng cường hợp tác song phương. Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến bất kì hình thức hỗ trợ tài chính nào của Moskva dành cho Athens.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kể từ khi đảng cánh tả Syriza của Thủ tướng Tsipras thắng cử hồi tháng 1, Athens nhiều lần cho thấy sẵn sàng xích lại gần Moskva khi hố ngăn cách giữa họ với các chủ nợ ngày một lớn. Hy Lạp là một trong số ít các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) công khai phản đối chính sách cấm vận của phương Tây chống Nga. Tính riêng từ tháng 4 trở lại đây, ông  Tsipras đã thăm Nga hai lần, với kết quả nổi bật là ký kết thỏa thuận xây dựng tuyến đường ống khí đốt chạy qua Hy Lạp trị giá 2,2 tỉ USD, nằm trong tổng thể tuyến “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” mà Nga là người khởi xướng.

Nhân tố Hy Lạp trong quan hệ Nga - EU

Không dừng lại ở câu chuyện giữa Athens và Brussels, việc cử tri Hy Lạp nói “không” với các đề xuất của các chủ nợ tại cuộc trưng cầu ý dân hôm 5/7 có tác động tới quan hệ Nga - EU. Thấy rõ nhất là việc, câu trả lời “không” kia đồng nghĩa với việc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của các lãnh đạo EU, nhất là trên khía cạnh xử lý những vấn đề nội khối.

Dù đâu đó vẫn có tiếng nói ủng hộ nỗ lực mở rộng EU, nhằm vào ứng viên là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây (Ukraine, Gruzia), đa số các chính trị gia ở Brussels đều tỏ ra chú tâm hơn đến việc giữ nguyên cơ cấu như hiện tại. Khủng hoảng Hy Lạp đã thức tỉnh giới lãnh đạo châu Âu rằng, EU vẫn có quá nhiều các vấn đề tài chính lớn mà không dễ gì giải quyết một sớm một chiều. EU không thể mở rộng hơn nữa, đơn giản là bởi sức ép lên các thành viên hiện đã quá lớn và tổ chức này cũng không muốn đẩy quan hệ với Nga xấu đi một cách không cần thiết.

Điều này lý giải tại sao một số nước nằm trong Sáng kiến “Đối tác phương Đông” của EU đã tỏ ra thất vọng tại Hội nghị Thượng đỉnh của liên minh này ở Liga (Latvia) mới đây, khi mong muốn gia nhập EU không được phản hồi một cách thỏa đáng. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối mở các vòng đàm phán thực chất về mở rộng EU nhằm vào các nước trong không gian hậu Xô Viết.

Trong bối cảnh mà Brussels đang phải đau đầu trước thách thức đến từ Hy Lạp, thì thật khó để EU có thể dang rộng vòng tay chào đón Ukraine - một đất nước cũng đang đứng trên bờ vực phá sản, chưa hề có một kế hoạch ổn định tài chính thực sự và có quy mô dân số lớn gấp 4 lần Hy Lạp. Thực tế này có thể làm một số nhân vật theo quan điểm “diều hâu” ở Mỹ, EU tức giận, nhưng đó lại là cách tiếp cận gần như là phù hợp nhất. EU hiện có quá nhiều vấn đề cấp thiết trong khối cần phải xử lý tức thời. Việc đeo đuổi đối đầu địa chính trị căng thẳng với Nga sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì, ngoài việc tạo ra những xung đột mới.

Một số học giả nhận xét, nếu châu Âu cần rút ra được bài học nào đó từ lịch sử, thì đó là việc cần phải tránh những tình thế vướng víu không cần thiết. Theo đó, châu Âu nên theo đuổi đối thoại với Nga, xem xét lợi ích của Nga, không đẩy những nước cộng hòa như Ukraine, Gruzia hay Armenia buộc phải lựa chọn giữa Moskva hay Brussels, mà là sự hội nhập vào cả hai không gian này. Với cách tiếp cận này, viễn cảnh về một châu Âu thực sự thống nhất từ Lisbon đến Vladivostok - một khái niệm về không gian kinh tế thống nhất từng được Tổng thống Putin đề xuất nhằm tạo ra một khu vực tự do thương mại rộng lớn kết nối EU với Liên minh kinh tế Á-Âu với Nga là đầu tàu, sẽ trở thành hiện thực.

Theo Hoài Thanh/Russia Direct, Zerohedge