1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cảnh báo nạn bạo lực xuất hiện tại vùng thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thanh Thành

(Dân trí) - Giữa lúc các lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực chạy đua tìm kiếm nạn nhân động đất khi thời gian đang cạn dần, đã xuất hiện tình trạng cướp bóc đáng lo ngại tại các vùng thảm họa.

Cảnh báo nạn bạo lực xuất hiện tại vùng thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Các nhân viên cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ đưa Ergin Guzeloglan, 36 tuổi, lên xe cấp cứu sau khi kéo anh ra khỏi một tòa nhà bị sập hôm 11/2 (Ảnh: Getty).

Guardian đưa tin, tại một khu vực tâm chấn động đất, một nhóm dữ tợn, dùng búa đập vỡ cửa sổ nhiều ngôi nhà, cửa hàng và lấy đi bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy.

Một cư dân đang tìm kiếm đồng nghiệp bị chôn vùi trong tòa nhà bị sập ở thành phố Antakya thuộc tỉnh Hatay kể lại việc chứng kiến nạn cướp bóc trong những ngày đầu tiên sau động đất.

"Mọi người đập vỡ cửa sổ ôtô và rào chắn ở các cửa hàng", anh Mehmet Bok, 26 tuổi, nói.

Một nhân viên cứu hộ đến từ tỉnh Sanliurfa cũng nhìn thấy những kẻ cướp bóc trong 4 ngày cô ở Antakya. "Chúng tôi không thể can thiệp nhiều vì hầu hết những kẻ cướp bóc đều mang theo dao", cô Gizem cho biết.

Khi số người chết ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vượt quá 29.000, nạn cướp bóc sau động đất khiến các lực lượng cứu hộ càng gặp thêm nhiều khó khăn. Lực lượng cứu hộ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo, những nỗ lực tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất đã bị cản trở bởi nạn bạo lực bùng phát.

Một số đội cứu hộ đã tạm dừng các hoạt động tìm kiếm.

Lực lượng cứu hộ Đức và quân đội Áo đã tạm dừng các hoạt động tìm kiếm vào hôm 11/2 với lý do vấn đề an ninh, đụng độ giữa các nhóm người không xác định và tiếng súng.

Người phát ngôn của quân đội Áo, trung tá Pierre Kugelweis, cho biết xung đột giữa các nhóm ở tỉnh Hatay đã khiến hàng chục nhân viên của Đơn vị Cứu trợ Thảm họa Lực lượng Áo phải tìm nơi trú ẩn trong một trại căn cứ cùng với các tổ chức quốc tế khác.

"Có tình trạng bùng nổ sự gây hấn giữa các phe phái ở Thổ Nhĩ Kỳ", trung tá Kugelweis nói trong một tuyên bố.

Áo hiện đã nối lại hoạt động cứu hộ sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp để bảo vệ, Bộ Quốc phòng nước này cho hay.

Trong khi đó, cơ quan Cứu trợ liên bang Đức (TSW) và tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ các nạn nhân trong thiên tai ISAR (Đức) cũng đã ra quyết định tương tự về việc tạm dừng các hoạt động cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Trong những giờ gần đây, tình hình an ninh ở tỉnh Hatay dường như đã thay đổi. Ngày càng có nhiều báo cáo về các cuộc đụng độ giữa những phe phái khác nhau, và các vụ nổ súng cũng đã xảy ra", người phát ngôn tổ chức ISAR Stefan Heine nói.

Steven Bayer, Giám đốc điều hành của ISAR, cho biết ông dự đoán tình hình an ninh sẽ xấu đi khi nguồn cung cấp thực phẩm và nước trở nên khan hiếm hơn. "Chúng tôi đang theo dõi tình hình an ninh rất chặt chẽ", ông nói thêm.

Các đội cứu hộ của Đức cho biết họ sẽ tiếp tục công việc ngay khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng tình hình đã an toàn, Reuters đưa tin.

Tình trạng cướp bóc xảy ra khi cảnh sát và quân đội đang căng mình để làm nhiệm vụ như điều tiết giao thông, giúp đỡ lực lượng cứu hộ và phân phát thực phẩm. Những người bán hàng đã cùng lực lượng an ninh, sẵn sàng truy đuổi những kẻ cướp bóc.

"Chúng tôi đang bảo vệ nhà cửa, đồ đạc, ô-tô của mình. Những kẻ cướp bóc đang cướp phá nhà của chúng tôi. Chúng tôi trải qua là cơn ác mộng. Cơ quan chức năng phải bảo vệ nhà của chúng tôi", Aylin Kabasakal, cư dân Hatay tỏ rõ sự thất vọng trước thực trạng này.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước hôm 11/2 đưa tin, 48 người đã bị bắt vì tội cướp bóc. Lực lượng chức năng cũng thu giữ một số khẩu súng, cùng với tiền mặt, đồ trang sức và thẻ ngân hàng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không bình luận về tình trạng bất ổn được báo cáo ở Hatay, nhưng nhấn mạnh, chính phủ sẽ xử lý mạnh tay những kẻ cướp bóc và các hành vi tội phạm khác, đồng thời lưu ý tình trạng khẩn cấp đã được ban bố.

"Chúng tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Điều đó có nghĩa là, kể từ bây giờ, những người có liên quan đến cướp bóc hoặc bắt cóc nên biết rằng họ sẽ đối mặt với sự trừng phạt mạnh mẽ nhất", Tổng thống Erdogan nói.

Sau một sắc lệnh đưa ra hôm 11/2, các nghi phạm bị buộc tội cướp bóc giờ đây có thể bị giam giữ trong 7 ngày thay vì 4 ngày, theo tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong tuần này trong 3 tháng.

Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm