1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Canh bạc” của Tổng thống Trump khi rút 9.500 quân Mỹ khỏi Đức

(Dân trí) - Các quốc gia châu Âu cảnh báo rằng quyết định rút 9.500 quân Mỹ khỏi Đức của Tổng thống Donald Trump có thể mang lại lợi thế cho đối thủ của Mỹ là Nga.

“Canh bạc” của Tổng thống Trump khi rút 9.500 quân Mỹ khỏi Đức - 1

Quân đội Mỹ tại khu vực huấn luyện ở Đức. (Ảnh: AFP)

Các chính trị gia Anh và chuyên gia quân sự châu Âu cảnh báo quyết định của Tổng thống Donald Trump khi rút 9.500 binh sĩ Mỹ khỏi Đức có nguy cơ trao lợi thế chiến lược cho Nga, đồng thời làm suy yếu liên minh quân sự phương Tây thời kỳ hậu chiến tranh.

Ngoài ra, quyết định rút quân của ông chủ Nhà Trắng cũng ảnh hưởng tới khả năng của Mỹ trong việc triển khai hoạt động tại Trung Đông và châu Phi, mặc dù vẫn còn nhiều hoài nghi về việc liệu một nhà lãnh đạo hay thay đổi như Tổng thống Trump có sẵn sàng thực hiện kế hoạch rút quân trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới hay không.

Mặc dù báo chí Mỹ đã đồng loạt đăng tải thông tin từ ngày 5/6, song kế hoạch rút 1/4 binh sĩ Mỹ tại Đức hiện vẫn chưa được xác nhận công khai. Đức ngày 8/6 cho biết họ vẫn chưa được thông báo chính thức về việc Mỹ rút quân.

Tuy vậy, thông tin này đã nhanh chóng làm dấy lên nhiều lo ngại. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã trao đổi với Tổng thống Trump vào chiều 8/6 qua điện thoại và thảo luận về “tầm quan trọng của việc duy trì một khối NATO mạnh mẽ trong một thế giới ngày càng cạnh tranh”.

“Những thách thức chúng ta phải đối mặt trong thập niên tới lớn tới mức không ai trong số chúng ta có thể giải quyết một mình. Châu Âu không thể giải quyết một mình. Mỹ cũng vậy. Do vậy, chúng ta phải chống lại sự lôi kéo của các giải pháp mang tính quốc gia”, ông Stoltenberg cho biết.

Tobias Ellwood, chủ tịch ủy ban quốc phòng tại quốc hội Anh, cho biết ông không chắc chắn rằng kế hoạch rút quân của Tổng thống Trump là quyết định cuối cùng và quyết định này có thể bị thách thức bởi quân đội Mỹ. Ông Ellwood nhận định đây là “trò chơi nguy hiểm” và “mang lại lợi ích cho Nga”.

Kế hoạch rút quân của Tổng thống Trump được đưa ra sau vài năm ông tăng cường chỉ trích NATO. Tháng 7/2018, ông Trump dọa sẽ đường ai nấy đi nếu các thành viên NATO, đặc biệt là Đức, không tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP để giảm bớt chi phí mà Mỹ phải bỏ ra để tăng cường năng lực phòng vệ của NATO trước mối đe dọa từ Nga.

Mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Đức đã được duy trì từ lâu. Mỹ đã đưa quân tới Đức đồn trú từ sau khi Thế chiến II kết thúc. Mặc dù số lượng binh sĩ Mỹ tại Đức đã giảm đáng kể so với 400.000 quân vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, song sự hiện diện của quân đội Mỹ một phần để đối phó với sự cứng rắn của Nga.

Theo các chuyên gia, Mỹ không thể hoạt động tại Trung Đông hoặc Afghanistan nếu không có căn cứ không quân Ramstein rộng lớn ở phía tây Đức, nơi đóng vai trò như một cơ sở hậu cần quan trọng. Trong khi đó, thành phố Stuttgart tại Đức cũng là nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ.

“Tôi thấy nhiều thiệt hại hơn là lợi ích, vì dù cho quân đội đóng ở đâu Mỹ vẫn phải chi ngân sách để trả cho lực lượng này”, Jamie Shea, cựu phát ngôn viên NATO và hiện là giáo sư về chiến lược và an ninh tại Đại học Exeter, nhận định.

Viện nghiên cứu IISS ước tính Mỹ chi khoảng 36 tỷ USD cho quốc phòng châu Âu vào năm 2018, trong khi ngân sách quốc phòng của toàn bộ đồng minh châu Âu tại NATO là 239,1 tỷ USD. Đây là số tiền lớn mà các nước như Anh, Pháp và Đức không thể bù đắp nổi nếu không có Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát.

Thành Đạt

Theo Guardian