Căng thẳng thương mại leo thang, Mỹ ngừng nhận bưu kiện từ Trung Quốc
(Dân trí) - Bưu chính Mỹ sẽ tạm ngừng nhận các bưu kiện từ Trung Quốc và đặc khu Hong Kong cho đến khi có thông báo mới.
Theo thông báo ngày 4/2 của Bưu chính Mỹ (USPS), cơ quan này chỉ tạm ngừng nhận bưu kiện từ Trung Quốc và Hong Kong. Sự thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến giao thư từ và các "tài liệu phẳng".
USPS không bình luận ngay lập tức liệu điều này có liên quan đến việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt quy chế "de minimis" (miễn thuế nhập khẩu tối thiểu) đối với các lô hàng từ Trung Quốc và một số quốc gia khác hay không.
Quyết định ngừng quy chế này được cho là sẽ ảnh hưởng tới các công ty thương mại điện tử Trung Quốc với mô hình kinh doanh dựa trên vận chuyển trực tiếp hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ, như Shein, Temu.
Shein và Temu đều bán các sản phẩm từ đồ chơi đến điện thoại thông minh và đã phát triển nhanh chóng ở Mỹ một phần nhờ vào chính sách miễn trừ tối thiểu.
Trong một báo cáo hồi tháng 6/2023, một ủy ban quốc hội của Mỹ cho biết 2 công ty này có thể chiếm hơn 30% tổng số bưu kiện được vận chuyển đến Mỹ mỗi ngày theo cơ chế miễn thuế tối thiểu.
Shein và Temu hiện chưa bình luận về động thái của chính quyền Trump.
Theo các chuyên gia, sự thay đổi cơ chế sẽ khiến sản phẩm của các doanh nghiệp như Shein và Temu trở nên đắt đỏ hơn, nhưng về cơ bản chúng vẫn rẻ hơn so với mua qua các hãng bán lẻ tại Mỹ.
Động thái mới của Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau khi ông Trump tái đắc cử.
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 4/2.
Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm 15% thuế đối với than và khí đốt tự nhiên, 10% đối với xăng dầu, thiết bị nông nghiệp, phương tiện phát thải cao và xe bán tải. Trung Quốc cũng đưa một số công ty, bao gồm cả Google, vào tình trạng báo động về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra.
Điều này làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến thương mại mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.