1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Đức

Mối quan hệ vốn “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Mỹ và Đức nay lại thêm phần căng thẳng, sau khi Đức ân xá cho một người Li-băng từng cướp máy bay và giết chết một công dân Mỹ cách đây 20 năm.

"Chúng tôi buộc phải, tôi lặp lại là chúng tôi buộc phải hạ cánh tại Beirut... Hạ cánh. TWA 847. Bọn chúng đang đe dọa giết hành khách, bọn chúng đang đe dọa giết hành khách. Chúng tôi cần nhiên liệu, chúng tôi cần phải tiếp nhiên liệu... Bọn chúng đang đánh đập hành khách, bọn chúng đang đánh đập hành khách...".  Lời kêu cứu của viên phi công J. Testrake từ trên chiếc máy bay của Hãng hàng không Mỹ Trans World Airlines (TWA) đã khiến cả thế giới phải thót tim.

 

Chuyện xảy ra vào ngày 14/6/1985 nhưng phải đến ngày 30/6, nhóm con tin cuối cùng mới được tự do. Trong suốt 17 ngày căng thẳng đó, chiếc máy bay phải vòng qua vòng lại biển Địa Trung Hải, từ Li-băng đến Algeria và đáp xuống Beirut (Li-băng) 3 lần trước khi dừng hẳn ở đó.

 

Sự việc xảy ra khi máy bay đang trên đường từ Athens (Hy Lạp) tới Rome (Ý), chở theo 145 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Một nhóm dân quân Hồi giáo vũ trang đã cướp máy bay và sau đó bắn chết một lính hải quân Mỹ, rồi đẩy xác nạn nhân xuống đường băng Beirut.

 

Những kẻ không tặc đòi Israel trả tự do cho hàng trăm người Li-băng đang bị giam cầm ở nước này. Các hành khách được thả theo từng đợt một, khi thì ở Beirut, khi thì ở Algiers (Algeria). Nhóm cuối cùng, gồm 39 người bị nhóm không tặc đưa ra khỏi máy bay rồi giam giữ ở một địa điểm bí mật tại Beirut. Họ chỉ được tự do sau khi Israel thả 31 tù nhân Li-băng. Các thủ phạm đã tẩu thoát.

 

Hai năm sau vụ không tặc, một trong những kẻ không tặc là M.Hamadi đã bị bắt tại sân bay Frankfurt (Đức) do mang theo chất nổ dạng lỏng trong vali. Mỹ tìm mọi cách để dẫn độ y về nước nhưng chính quyền Tây Đức lúc bấy giờ từ chối. Hamadi đã phải chịu bản án nặng nhất của Tây Đức thời đó vì tội không tặc và sát nhân: chung thân và sau 15 năm thụ án mới được xem xét ân xá.

 

Những ngày trước khi Hamadi được thả tự do, Mỹ cũng đã tìm cách thương thuyết với Đức để có thể đưa ông này về Mỹ nhưng bất thành. Chính quyền Mỹ đã tỏ rõ sự thất vọng của mình với quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương: "Chúng tôi thất vọng vì người đàn ông này đã được thả trước khi thụ hết án. Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để buộc cá nhân này phải ra trước công lý ở Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ S.McCormack nói. Hamadi đã trở về quê hương Li-băng và Washington đang tìm cách thương thảo với Beirut để dẫn độ Hamadi sang Mỹ.

 

Việc Đức thả Hamadi diễn ra trong thời gian quan hệ Berlin và Washington đang chẳng mấy êm ả. Trong chuyến thăm Đức vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ C.Rice đã phải khổ sở vì không biết bao nhiêu câu hỏi xoay quanh việc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) bị tố cáo đặt nhà tù bí mật trên đất châu Âu, rồi vụ Mỹ đã bắt cóc, giam giữ một công dân Đức cách đây 2 năm vì lầm tưởng ông ta là thành viên al-Qaeda. Diễn biến mới sẽ làm rạn nứt thêm quan hệ giữa hai cường quốc này.

 

Theo Kiều Oanh

Thanh niên/AP, New York Times