1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Căng thẳng Biển Đông đẩy Mỹ - Nhật – Việt thành tam giác “liên minh”?

Căng thẳng Biển Đông đang trở thành cơ hội để 3 nước Mỹ - Nhật Bản – Việt Nam xích lại gần nhau, là nhận định của The Diplomat tuần qua.

The Diplomat trích dẫn báo cáo mới về triển vọng hợp tác ba bên Mỹ - Nhật- Việt. Theo đó, cơ hội hợp tác này đã nhen nhóm trong vài năm trở lại đây. Cơ hội này đang ngày càng lớn hơn khi Mỹ tuyên bố chính sách xoay trục châu Á – Thái Bình Dương và đang có những bước đi cụ thể hướng về khu vực.

Mỹ thể hiện rõ ngoài việc tăng cường quan hệ với các đối tác, liên minh truyền thống; mong muốn mở rộng liên kết mới cả hướng song phương tức là Mỹ - đối tác và đa phương (Mỹ - Nhật – đối tác).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong chuyến thăm Việt Nam
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong chuyến thăm Việt Nam

Chuyên gia Prashanth Parameswaran, nghiên cứu về Đông Nam Á, an ninh ngoại giao châu Á và chính sách của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương nhận định: “Triển vọng hợp tác lớn hơn giữa 3 bên Mỹ - Nhật - Việt đã khá rõ”.

Về kinh tế, Mỹ và Nhật Bản đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam từ những năm 1990. Cả ba quốc gia cũng là một phần của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán và hy vọng sẽ sớm hoàn thành.

Trong lĩnh vực an ninh, các bên đều đang thể hiện nhiều mối quan tâm chung về an ninh hàng hải, cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo… trên Biển Đông và Hoa Đông.

Mỹ- Nhật: Liên minh nền tảng

Liên minh Mỹ - Nhật lâu nay được xem như nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực. Mối quan hệ ngày ngày càng được củng cố, được thể hiện rõ trong Sách Trắng Quốc phòng từng nước.

Đầu tháng 5 vừa qua, Mỹ - Nhật đã công bố bản Định hướng sửa đổi hợp tác quốc phòng với những sửa đối sâu rộng được đánh giá là “có tính lịch sử”, “chưa từng có”.

Tiếp theo những động thái gia tăng hợp tác với Mỹ, AFP ngày 25/6 dẫn lời Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản Katsutoshi Kawano tuyên bố Nhật có thể cùng Mỹ thường xuyên tuần tra ở biển Đông, bởi Tokyo đang muốn đóng một vai trò quan trọng hơn đối với tình hình an ninh trong khu vực.

Nhật – Việt: Đối tác chiến lược

Theo The Diplomat, chính sách hướng tới Đông Nam Á của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và việc tìm kiếm của Việt Nam trong việc hợp tác hơn nữa với các nước lớn khác đã tạo ra sự hội tụ của tam giác Mỹ-Nhật-Việt, đang định hình phương thức hợp tác và phát triển mối quan hệ này trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 12/2013
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 12/2013

Nhật Bản và Việt Nam từ tháng 3/2014 đã nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược mở rộng.

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng cảnh sát biển và chia sẻ tin tức tình báo, đồng thời cũng sẽ cung cấp tàu cho Việt Nam. Ông nói: “Tất cả tiến hành rất thuận lợi, chúng tôi có kế hoạch tiếp nhận những tàu này vào năm tới”.

Cũng tại Đối thoại Shangri-La 2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công khai bày tỏ ủng hộ đối với Việt Nam và Philippines, nhấn mạnh, trong tranh chấp liên quan đến chủ quyền Biển Đông, Nhật Bản sẽ dành sự “hỗ trợ tối đa” cho các nước Đông Nam Á trên phương diện an toàn hàng hải và an toàn bay, bao gồm sẽ cung cấp viện trợ quân bị và kỹ thuật liên quan như tàu tuần tra trên biển cho hai nước Philippines và Việt Nam.

Việt – Mỹ: Hứa hẹn tương lai

Việt – Mỹ đã ký một thỏa thuận quốc phòng mới trong năm nay, đồng thời hứa hẹn mở ra cánh cửa cho tương lai hợp tác song phương về quốc phòng và sản xuất thiết bị quân sự.

Điều này cũng được Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định. Hiện các nhà lãnh đạo Mỹ đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ phát triển quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là Bộ Quốc phòng và các Thượng nghị sĩ trong Ủy ban Quân vụ. Quan hệ Việt - Mỹ đã vượt qua quan hệ thông thường và đang trên đà phát triển mạnh.

Tiến sĩ Murray Hiebert, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định: Việt Nam ngày nay đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Washington ủng hộ chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam, và quan hệ Việt - Mỹ phát triển có thể cũng có ích cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hay xử lý quan hệ với láng giềng Trung Quốc.

Vẫn còn giới hạn

Tuy nhiên, theo The Diplomat, vẫn có những giới hạn quan trọng đối với sự phát triển của hợp tác ba bên Việt - Nhật - Mỹ.

Về mặt cấu trúc, trong hợp tác tam giác, việc liên minh Mỹ- Nhật quá mạnh, lớn hơn nhiều 2 vế hợp tác còn lại là một thách thức không nhỏ, bắc cầu khoảng cách chắc chắn không phải là một việc dễ dàng.

Theo đuổi các hợp đồng, thỏa thuận với Việt Nam có thể bổ sung đầy đủ các thách thức đó, nhưng có điều Việt Nam không phải đồng minh của Mỹ, Nhật Bản như Philippines hay Australia. Mặt khác Việt Nam cũng phải thận trọng hiệu chỉnh mối quan hệ với các nước lớn, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra có những trở ngại khác cho việc thực hiện hợp tác 3 bên. Ví dụ vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân ở Việt Nam đã chậm lại thời gian gần đây do vấn đề an toàn và pháp lý.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe còn phải vượt qua nhiều thử thách để thúc đẩy vai trò của Tokyo trong khu vực, thậm chí còn tiếp tục phải đạt đủ sự ủng hộ trong cơ quan lập pháp.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Parameswaran, không có lý do nào không thể vượt qua những thách thức này, đặc biệt là nếu xu hướng hợp tác 3 bên vẫn tiếp tục và cả 3 nước cam kết thực hiện các bước quan trọng để thúc đẩy hợp tác./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN