Tham vọng của Trung Quốc đe dọa quyền lợi Mỹ?
Hãng Sputnik dẫn lời Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh cho biết, Trung Quốc đang đàm phán nhằm thành lập căn cứ quân sự tại quốc gia này.
Động thái mới
Theo nguồn tin trên, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp vào tháng 5/2015, Tổng thống Ismail Omar Guelleh cho biết, Trung Quốc đang đàm phán với nước này nhằm xây dựng một căn cứ quân sự ở cảng biến chiến lược:
“Pháp đã xuất hiện ở đây từ lâu, Mỹ cũng hiểu rằng địa thế của Djibouti có thể giúp họ chống lại khủng bố trên khắp khu vực. Nhật Bản muốn bảo vệ họ khỏi cướp biển, và giờ đây Trung Quốc cũng muốn củng cố quyền lợi của mình và họ hoàn toàn được hoan nghênh”, ông Smail Omar Guelleh cho biết.
Hiện nay, Bắc Kinh là đối tác kinh tế quan trọng đối với Djibouti trong những năm gần đây. Vào năm 2014, ông Guelleh đã thay đổi hợp đồng điều hành cảng biển từ một nhà thầu có trụ sở tại Dubai sang cho công ty Trung Quốc vì lí do tham nhũng.
Khi được hỏi về việc xây dựng căn cứ quân sự, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Yang Yujun từ chối xác nhận thông tin và chỉ cho biết, 2 nước hiện có mối quan hệ hợp tác và cùng quan tâm đến vấn đề hoà bình và an ninh khu vực.
Dù Trung Quốc không xác nhận thông tin này, nhưng chừng ấy cũng đủ khiến giới chức Mỹ lo ngại khi Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng, nhất là khi nước này có thể hình thành một căn cứ quân sự song song với Mỹ ở Djibouti.
Được biết, Djibouti là một quốc gia nhỏ tương đối ổn định, cùng với Yemen nằm hai bên bờ của Vịnh Aden và có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Somalia.
Đây được coi là địa điểm đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với Mỹ và là đường dẫn vào Biển Đỏ để tới kênh đào Suez, hải mạch nối liền châu Á và châu Phi.
Tăng ảnh hưởng
Để tăng cường ảnh hưởng đến khu vực chiến lược này, Hải quân Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức tập trận quy mô lớn khiến quốc tế nghi ngại. Mới đây, tờ Japanmil đã lên tiếng phản đối và cho rằng những cuộc tập trận hải quân liên tiếp của Trung Quốc tại vùng Vịnh Aden đều nhằm mục đích huấn luyện quân đội và thử nghiệm vũ khí.
Theo thống kê từ đầu năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành khá nhiều cuộc diễn tập quy mô lớn, nhỏ tại khu vực biển này. Với danh nghĩa là chống khủng bố, bảo vệ an toàn tuyến hàng hải trên biển, nhưng thực chất quân đội Trung Quốc đang lợi dụng vùng biển này để "hợp thức hóa" những cuộc tập trận của mình, tờ Japanmil phân tích.
Hiện có khoảng 35 tàu chiến từ hải quân của 16 nước đang tham gia các hoạt động chống hải tặc ngoài khơi Somali, nhưng dường như hoạt động của Hải quân Trung Quốc là sôi nổi nhất khi thường xuyên có những buổi tập trận ở mọi cấp độ quy mô, chính điều này đã mang tới nghi vấn cho nhiều quốc gia khác.
Theo đó, với vỏ bọc là những cuộc tập trận ứng phó với các cuộc tấn công của hải tặc, tuy nhiên phạm vi, quy mô cũng như tính chất của các cuộc tập trận của Trung Quốc thì lại không hoàn toàn như vậy, tờ Defencetalk nhận định.
Báo chí Nhật khẳng định, các quốc gia đang thực thi nhiệm vụ quốc tế tại Vịnh Aden cũng thường xuyên diễn tập hải quân, nhưng nội dung của các buổi diễn tập là thực tập liên lạc viễn thông trên biển, định vị tàu thuyền từ trực thăng, hỗ trợ cứu nạn, chống cướp biển,... hoàn toàn khác với những cuộc tập trận bắn đạn thật với cường độ mạnh như Trung Quốc.
Bác lại những ý kiến trên, Bắc Kinh cho rằng, những cuộc diễn tập của lực lượng hải quân nước này trên Vịnh Aden hoàn toàn phù hợp với công ước quốc tế và quy định khi tham gia bảo vệ tuyến đường hàng hải quân trọng nối liền Âu-Á.
Và theo dự kiến, trong thời gian tới hải quân nước này sẽ tiếp tục mở những cuộc tập trận có quy mô lớn hơn với sự tham gia của nhiều tàu chiến hơn trên vùng biển này nhằm mục đích đề cao cảnh giác trước sự tấn công bất ngờ của lực lượng hải tặc trên Vịnh Aden.
Với vị trí đặc biệt quan trọng của khu vực này, việc Trung Quốc muốn tăng cường vai trò của mình ở Djibouti, Yemen và đặc biệt tại Vịnh Aden không có gì là khó hiểu.