Campuchia thông qua dự luật phạt nặng người phủ nhận tội ác của Khmer Đỏ
(Dân trí) - Campuchia thông qua một dự luật quy định hình phạt nặng hơn với những ai phủ nhận tội ác của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Nội các Campuchia hôm 24/1 đã thông qua một dự luật nhằm tăng cường hình phạt đối với bất kỳ ai phủ nhận các tội ác xảy ra vào cuối những năm 1970 dưới thời Khmer Đỏ, chế độ có các chính sách tàn bạo gây ra cái chết của hàng triệu người vô tội.
Văn phòng Nội các cho biết luật được đề xuất nhằm ngăn chặn sự tái diễn của các sự kiện tương tự và mang lại công lý cho các nạn nhân của Khmer Đỏ. Dự luật đã được thông qua tại phiên họp nội các dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hun Manet.
Dự luật gồm 7 điều, cần được Quốc hội thông qua trước khi trở thành luật, quy định các hành vi vi phạm sẽ bị phạt từ 1-5 năm tù và khoản tiền phạt từ 2.500 đến 125.000 USD. Dự luật này gần như chắc chắn sẽ được thông qua vì Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền chiếm 120 trong tổng số 125 ghế tại Quốc hội.
Trong 4 năm cai trị của Khmer Đỏ (1975-1979), có 1,7 triệu người Campuchia thiệt mạng do bị bỏ đói, lao động cưỡng bức, tra tấn, hành hình và thảm sát. Chế độ diệt chủng này đã gây ra một trong những chương tăm tối nhất trong lịch sử của Campuchia.
Năm 2013, Campuchia đã ban hành một luật tương tự chống lại việc phủ nhận các tội ác của Khmer Đỏ sau khi Thủ tướng khi đó là ông Hun Sen kêu gọi thực hiện biện pháp này.
Vào tháng 5 năm ngoái, ông Hun Sen, người đang giữ chức Chủ tịch Thượng viện và lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia, cho rằng luật năm 2013 cần được cập nhật.
Ngoài ra, ông Hun Sen và giới lãnh đạo Campuchia nhiều lần phát biểu rằng, nhờ sự giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện Việt Nam mà Campuchia đã lật đổ được chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cứu nhân dân nước này thoát khỏi cuộc thảm sát tàn khốc nhất trong lịch sử và mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Một tòa án quốc tế được Liên hợp quốc hậu thuẫn, bắt đầu tổ chức một loạt các phiên xét xử từ năm 2009, đã kết luận rằng chính quyền Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva 1949, cũng như vi phạm luật hình sự Campuchia, luật nhân đạo quốc tế và nhiều công ước quốc tế khác mà Campuchia công nhận.