1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Campuchia, Thái Lan ra tòa án quốc tế vì tranh chấp đền Preah Vihear

(Dân trí) - Thái Lan và Campuchia hôm nay đã đưa tranh chấp biên giới tại khu vực quanh ngôi đền cổ Preah Vihear, nơi từng xảy ra các vụ xô xát đổ máu giữa 2 nước láng giềng, ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại Hà Lan.

Ngôi đền cổ Preah Vihear 900 năm tuổi.

Ngôi đền cổ Preah Vihear 900 năm tuổi.

ICJ bắt đầu các phiên điều trần kéo dài 1 tuần liên quan việc tranh chấp chủ quyền khu vực xung quanh đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia. 2 năm trước, Phnom Penh đã đề nghị ICJ làm sáng tỏ một phán quyết của tòa án này năm 1962 về các tranh chấp quanh ngôi đền cổ.

Năm 1962, ICJ đã ra phán quyết rằng Campuchia sở hữu đền Preah Vihear, một di sản của UNESCO. Thái Lan không tranh chấp về quyền sở hữu của Campuchia đối với Preah Vihear, nhưng cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất rộng 4,6km quanh ngôi đền.

Kể từ đó, đường biên giới giữa hai nước quanh ngôi đền chưa được phân định rõ ràng, khiến giao tranh liên tục xảy ra tại đây. Năm 2011, chính phủ Campuchia đã yêu cầu ICJ giải thích rõ hơn về phán quyết năm 1962.

Nếu không làm sáng tỏ một phán quyết năm 1962 của ICJ, “mối quan hệ với Thái Lan sẽ không mang tính hợp tác và thân thiện trong tương lai”, Phó thủ tướng Campuchia kiêm ngoại trưởng Hor Namhong nói tại phiên tòa.

Trước khi phiên tòa bắt đầu, ông Hor Namhong nói với báo giới rằng Campuchia “giận dữ” trước các hành động xâm nhập của quân đội Thái Lan.

“Chúng tôi hi vọng rằng tòa án sẽ giải thích về phán quyết năm 1962, trong đó có nói rằng đền Preah Vihear nằm trên đất Campuchia. Theo quán quyết, khu vực xung quanh đền cũng thuộc Campuchia”, ông Hor Namhong nói.

ICJ dự kiến phải mất vài tháng mới đưa ra phán quyết về vụ việc.

Hồi tháng 2/2011, 10 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột tại đền Preah Vihear và các vụ xô xát mới lại xảy ra xa hơn về phía tây hồi tháng 4/2011, khiến 18 người chết.

ICJ sau đó ra phán quyết yêu cầu cả hai nước phải rút quân khỏi ngôi đền 900 năm tuổi.

Căng thẳng giữa 2 nước đã giảm bớt kể từ giữa năm 2011, khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra lên nắm quyền. Anh trai ông, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, là bạn của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Tướng Prayut Chan-O-Cha, chủ huy quân đội Thái Lan, hồi tháng 2 tuyên bố nước ông có thể không nhất thiết phải tôn trọng một phán quyết của ICJ.

“Chính phủ sẽ quyết định có tôn trọng phán quyết hay không. Nếu chính phủ phủ nhận, chúng tôi sẽ phải quyết định nên làm gì tiếp theo, nhưng không phải bằng cách sử dụng vũ lực. Chúng ta đều là các quốc gia văn minh”, ông Prayut nói.

An Bình
Theo BBC