1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Campuchia nói sẽ không tham vấn thêm về kênh Phù Nam Techo

Minh Phương

(Dân trí) - Campuchia tuyên bố giữ nguyên kế hoạch xây dựng kênh đào Phù Nam Techo và không có nghĩa vụ tham vấn với các quốc gia trong khu vực.

Campuchia nói sẽ không tham vấn thêm về kênh Phù Nam Techo - 1

Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol (Ảnh: Cambodia News).

"Campuchia có nghĩa vụ thông báo cho Ủy ban hỗn hợp biết trước khi tiến hành công việc xây dựng và không bắt buộc phải tham vấn trước hoặc phải có thỏa thuận cụ thể với các nước thành viên Ủy hội sông Mekong", Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol cho biết tại cuộc họp báo ngày 6/5 khi phản hồi đề nghị cung cấp thông tin chi tiết về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Ông nhấn mạnh, chính phủ nước này không lơ là trách nhiệm chia sẻ thông tin về dự án cả chính thức và không chính thức.

Ông cho biết, nếu được yêu cầu, Campuchia sẽ cung cấp thêm thông tin cho Ủy hội sông Mekong, nhưng không có nghĩa vụ pháp lý phải làm như vậy. "Nếu các vị cần thông tin, hãy đề nghị Ủy hội sông Mekong", ông nói.

Ông Chanthol nói rằng, Campuchia đã thực hiện trách nhiệm theo Hiệp định Mekong năm 1995 bằng việc thông báo dự án kênh đào Phù Nam Techo cho Ủy hội sông Mekong vào tháng 8 năm ngoái.

Tuy nhiên, Ủy hội cho biết, Campuchia đã không chia sẻ nghiên cứu khả thi của kênh đào mặc dù nhiều bên đề nghị và Ủy hội đã hai lần gửi thư đề nghị chính thức vào tháng 8 và tháng 10 năm ngoái.

Ông Chanthol cũng cho hay, lưu lượng nước qua kênh đào dự kiến chỉ 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong.

Theo ông Sun Chanthol, con kênh sẽ được sử dụng để tưới tiêu trên đất liền và đánh bắt cá. Ông cho biết tuyến đường ngắn hơn của kênh đào ra biển dành cho sà lan và tàu từ và đến Phnom Penh chở hàng dệt may và nguyên liệu thô, điều này sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính.

Ông nói thêm, dự án có sự tham gia của nhiều tổ chức như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong, Công ty TNHH Tư vấn Vận tải Đường thủy - công ty con của Công ty Xây dựng Vận tải Trung Quốc (CCCC).

Campuchia nói sẽ không tham vấn thêm về kênh Phù Nam Techo - 2

Đồ họa về dự án kênh đào Phù Nam Techo, đường màu đỏ là phần kênh đào sẽ xây dựng, đường màu xanh là một phần sông Bassac hiện có (Đồ họa: Straits Times).

Theo Đánh giá tác động cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội của chính phủ Campuchia, dự án dự kiến sẽ tác động đến 1.585 ngôi nhà ở và 149,5ha đất ở, cùng các tác động môi trường và xã hội khác.

Theo báo cáo, sau khi dự án đi vào vận hành, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia qua đường thủy của Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ mức 33% hiện tại xuống còn 10%.

Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến được khởi công vào cuối năm nay sau khi Tập đoàn quốc doanh Cầu đường Trung Quốc đạt được thỏa thuận triển khai dự án tại một hội nghị Sáng kiến Vành đai và Con đường diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái. Dự án dự kiến được hoàn thành sau 4 năm với kinh phí khoảng 1,7 tỷ USD.

Theo kế hoạch, con kênh sẽ có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m. Kênh kéo dài khoảng 180km (chỉ kém kênh đào Suez hơn 10km) từ Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep của Campuchia. Kênh đào sẽ chạy qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep với tổng dân số 1,6 triệu người sinh sống hai bên đường thủy.

Ngày 5/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu gần đây của phía Campuchia về việc triển khai dự án kênh đào Funan Techo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:

"Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia trong chính sách đối ngoại của mình, mong muốn quan hệ hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước. Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã khẳng định truyền thống lịch sử quan hệ đoàn kết, gắn bó Việt Nam - Campuchia là nhân tố hết sức quan trọng, là nguồn sức mạnh to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước ngày nay.

Việt Nam luôn ủng hộ, vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua. Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mê Công 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mê Công và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mê Công chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mê Công cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mê Công, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau".

Theo KhmerTimes