1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Campuchia theo đuổi chiến lược đối ngoại nào dưới thời Thủ tướng Hun Manet?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trở thành nhà lãnh đạo trẻ của Campuchia và từng được đào tạo tại phương Tây, Thủ tướng Hun Manet được dự đoán có thể đưa vào "làn gió mới" khi kế thừa chính sách đối ngoại từ chính phủ tiền nhiệm.

Campuchia theo đuổi chiến lược đối ngoại nào dưới thời Thủ tướng Hun Manet? - 1

Tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet (Ảnh: Reuters).

Ngày 22/8, ông Hun Manet, 45 tuổi, đã nhậm chức Thủ tướng Campuchia sau sự phê chuẩn của Quốc hội nước này. Trước đó, ngày 7/8, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni công bố sắc lệnh hoàng gia bổ nhiệm ông Hun Manet làm Thủ tướng trong Quốc hội khóa 7, sau khi đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) của ông Hun Manet giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7. 

Vào cùng ngày được bổ nhiệm làm thủ tướng tương lai hôm 7/8, ông Hun Manet đã vạch ra 5 ưu tiên chiến lược khi điều hành đất nước, trong đó nhấn mạnh Campuchia sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên luật lệ.

Mục tiêu của chiến lược là nhằm xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Campuchia với tất cả các nước trên thế giới, cũng như tham gia các tổ chức quốc tế. Campuchia sẽ tích cực vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Giới chuyên gia đã có những đánh giá, nhận định và dự đoán về hướng đi của tân Thủ tướng Hun Manet trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là đối với các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, hay với các tổ chức quốc tế và khu vực mà Campuchia tham gia.

Tiếp tục chính sách của chính phủ tiền nhiệm?

Sau khi ông Hun Manet được bổ nhiệm làm thủ tướng, một số chuyên gia nhận định việc ông từng học tập ở Mỹ và Anh có thể phần nào ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Campuchia với phương Tây.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Kin Phea, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Hoàng gia Campuchia, nguyên tắc chỉ đạo chính sách đối ngoại của quốc gia Đông Nam Á không dựa trên nền tảng giáo dục của nhà lãnh đạo mà phụ thuộc vào Điều 53 của Hiến pháp.

Điều khoản này khẳng định cam kết của Campuchia về việc duy trì chính sách trung lập, không liên minh và cùng tồn tại một cách hòa bình với các nước.

Campuchia theo đuổi chiến lược đối ngoại nào dưới thời Thủ tướng Hun Manet? - 2

Ông Hun Manet (phải) đã kế nhiệm cha, cựu Thủ tướng Hun Sen (Ảnh: Khmer Times).

Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền đã đặt ra 7 nguyên tắc cốt lõi cho chính sách đối ngoại của đất nước trong 5 năm tới, trong đó có một số điều khoản như không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, cấm quân đội nước ngoài hiện diện tại Campuchia.

Theo ông Kin Phea, là quốc gia từng trải qua xung đột và chiến tranh, Campuchia rất coi trọng hòa bình và ổn định, cả trong nước và khu vực, đồng thời cam kết thúc đẩy phát triển và thịnh vượng, đồng thời ngăn chặn mọi sự can thiệp vào quan hệ của nước này với các nước khác.

Theo chuyên gia Chheang Vannarith, Chủ tịch tổ chức Viện Tầm nhìn châu Á có trụ sở ở Phnom Penh, vì lý do liên quan tới kinh tế, Campuchia có xu hướng tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia và khoảng 35% hàng hóa mà Campuchia nhập khẩu đến từ Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc cũng chiếm 90,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Campuchia.

Ông Kin Phea nhận định, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Hun Manet sẽ là xây dựng tư cách thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và ASEAN của Campuchia, cũng như các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Hàn Quốc để tiếp nối di sản ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế tương đối cao 7% trong những năm qua.

Vì vậy, theo giới quan sát, ông Hun Manet có thể sẽ có xu hướng tiếp tục các chính sách về Trung Quốc của chính phủ tiền nhiệm và có thể sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình.

Ông Hun Manet cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải cách kinh tế xã hội, bao gồm cải cách trong lĩnh vực giáo dục và y tế, tăng cường thương mại và đầu tư trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và hiệp định thương mại tự do mà nước này tham gia.

Chuyên gia Chheang Vannarith nhận định, việc ông Hun Manet được đào tạo ở phương Tây có thể sẽ một phần nào đó định hình phong cách lãnh đạo và chính sách của ông trong tương lai.

Ngoài ra, theo Asia Times, nội các mới của ông Hun Manet dự kiến cũng bao gồm một số nhân vật được đào tạo ở phương Tây. Đây có thể sẽ là "làn gió mới" cho hướng đi của Campuchia, sau nhiều năm căng thẳng với phương Tây.

John Bradford, một thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, cho rằng nền tảng giáo dục của ông Hun Manet "đã khiến một số nhân vật phương Tây kỳ vọng rằng ông có thể thay đổi về mặt chính sách".

Trung Quốc trong những năm qua đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng chủ chốt và các hạng mục ở Campuchia, ví dụ như xây các tuyến đường cao tốc và cảng biển.

Trong khi đó, quan hệ với Mỹ đã trở nên căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân ở vùng Vịnh Thái Lan. Cả Trung Quốc và Campuchia đều bác bỏ các cáo buộc của Mỹ về căn cứ này.

Ông Bradford cho rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Hun Manet, Campuchia có khả năng trở thành hợp tác tích cực hơn với Mỹ. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, các bên sẽ cần thiết lập nền tảng vững chắc về lợi ích và sự tôn trọng lẫn nhau.

Theo Asia Times, ngay cả khi các nước phương Tây đã áp dụng một số biện pháp cấm vận với Campuchia, các quốc gia này vẫn là những nhà nhập khẩu chính hàng hóa của Phnom Penh. Ví dụ, thương mại của Mỹ với Campuchia đã tăng từ 3,4 tỷ USD năm 2017 lên 12,6 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Washington.

Vì vậy, theo giới chuyên gia, Campuchia dưới thời ông Hun Manet được dự đoán sẽ có thể cải thiện quan hệ với phương Tây. Asia Times giải thích rằng, Campuchia có những lợi ích kinh tế khi theo đuổi chiến lược này.

Du lịch Campuchia phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19 và một số khoản đầu tư từ Trung Quốc ở mức hạn chế hơn dự kiến. Theo Asia Times, một số quan chức ở Phnom Penh dường như nhận ra rằng Campuchia phải đa dạng hóa các liên kết thương mại và đầu tư.

Lấy lợi ích của Campuchia làm trọng tâm

Campuchia theo đuổi chiến lược đối ngoại nào dưới thời Thủ tướng Hun Manet? - 3

Dưới thời ông Hun Manet, Campuchia dự kiến sẽ theo đuổi chính sách trung lập, lấy lợi ích quốc gia làm trọng tâm (Ảnh: Reuters).

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã vạch ra một cách tiếp cận linh hoạt đối với chính sách đối ngoại. Kế hoạch này nhằm mục đích thích ứng với bối cảnh địa chính trị luôn thay đổi và các cuộc cạnh tranh của các cường quốc trên thế giới.

Phnom Penh Post dẫn lời chuyên gia Chhay Sopha cho hay, khi điều hành đất nước, chính sách đối ngoại của ông Manet sẽ tuân thủ theo đường lối của CPP.

"Khi một thủ tướng mới lên nắm quyền và ông ấy thuộc CPP, ông ấy phải tuân theo đường lối của đảng. Chính sách đối ngoại của Campuchia là trung lập và không liên minh, không khác với chính sách của chính phủ hiện tại", ông giải thích.

Chuyên gia Kin Phea nhận định: "Chính sách đối ngoại của Campuchia sẽ phải tập trung vào các lợi ích quốc gia chiến lược dù ông Hun Manet được đào tạo ở đâu. Điều này bao gồm đảm bảo hòa bình và an ninh, phát triển, nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế và phát huy vai trò khu vực và quốc tế của Campuchia".

Trong các bài đăng trên mạng xã hội trước cuộc bầu cử ngày 23/7, ông Hun Manet nhấn mạnh rằng lãnh đạo một quốc gia đòi hỏi phải ưu tiên lợi ích quốc gia và đặt người dân làm trung tâm của mọi quyết định, ngay cả khi cách tiếp cận này khiến những người khác không hài lòng.

Giới quan sát nhận định, chính quyền ông Hun Manet dự kiến sẽ ưu tiên sức mạnh và lợi ích quốc gia của Campuchia trong các cân nhắc chính sách đối ngoại.

Điều này đòi hỏi phải tận dụng các nguồn lực, tiềm năng kinh tế và vị trí chiến lược của đất nước để theo đuổi các cơ hội đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng của Campuchia. Chính phủ mới sẽ dựa vào các ưu tiên của Campuchia và ảnh hưởng của hoạt động hợp tác quốc tế để đưa ra quyết sách có lợi cho đất nước.

Một nền kinh tế ổn định và có khả năng phục hồi là rất quan trọng đối với sự ổn định và chủ quyền quốc gia. Để tăng cường an ninh kinh tế, chính phủ Campuchia có thể sẽ thực hiện các chính sách đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc quá mức vào các lĩnh vực hoặc đối tác thương mại cụ thể.

Điều này có thể bao gồm các nỗ lực thúc đẩy ngành nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ đồng thời đầu tư vào các tiến bộ công nghệ và đổi mới để tăng năng suất.

Chính phủ mới dự kiến sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút cả đầu tư trong và ngoài nước. Điều này liên quan đến việc hợp lý hóa các quy định, cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tính minh bạch và chống tham nhũng.

Vì vậy, các chuyên gia nhận định, ông Hun Manet sẽ theo đuổi chính sách trung lập khi điều hành Campuchia, đặt lợi ích quốc gia làm ưu tiên hàng đầu.

Trước đó, ông Hun Sen ngày 22/7 từng công khai gửi thông điệp tới con trai cả trên mạng xã hội: "Khi trở thành thủ tướng, con phải làm hết sức mình để bảo vệ hòa bình và đảm bảo sự phát triển liên tục của đất nước cũng như phúc lợi của người dân".

Ông Hun Manet sau đó đã đáp lời cha: "Con sẽ ghi nhớ lời khuyên của cha mãi mãi và con sẽ làm theo lời khuyên của cha trong mọi hoàn cảnh".

Campuchia theo đuổi chiến lược đối ngoại nào dưới thời Thủ tướng Hun Manet? - 4

Chân dung ông Hun Manet (Đồ họa: Đức Hoàng).

Theo Khmer Times, Asia Times, CNA