1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cái bắt tay khó xua tan “mây đen” bao trùm thương chiến Mỹ - Trung

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã bắt tay nhau trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ để nâng cao triển vọng kinh tế toàn cầu như kỳ vọng của các bên.

Cái bắt tay khó xua tan “mây đen” bao trùm thương chiến Mỹ - Trung - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay tại Nhà Trắng ngày 11/10 (Ảnh: Bloomberg)

Những cam kết mà Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được nhằm mở ra triển vọng cho một thỏa thuận thương mại toàn diện không có tác dụng nhiều trong việc cải thiện triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi giữa hai nước, bởi những cam kết này mới chỉ được đảm bảo bằng một cái bắt tay - điều mà các nhà kinh tế không thực sự tin tưởng.

Ngày 11/10, Trung Quốc đã đồng ý tăng gấp đôi số lượng nông sản mua từ Mỹ, với tổng giá trị lên tới 50 tỷ USD. Động thái này được xem là chiến thắng chính trị, giúp Tổng thống Donald Trump ghi điểm trong chiến dịch tái tranh cử của ông vào Nhà Trắng năm sau. Tuy nhiên, đây không phải là đòn bẩy thực sự ý nghĩa đối với Mỹ - một đất nước có GDP khoảng 21.000 tỷ USD.

Chiều ngày 13/10, Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng Trung Quốc đã bắt đầu mua nông sản Mỹ, nhắc lại những tuyên bố mà ông đã đưa ra trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh, tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng hôm 11/10.

“Thỏa thuận của tôi với Trung Quốc đó là họ sẽ ngay lập tức khởi động việc mua số lượng lớn nông sản của chúng tôi, chứ không đợi cho tới khi thỏa thuận được ký trong 3 - 4 tuần tới. Họ đã bắt đầu mua!”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Đổi lại việc cam kết đẩy mạnh mua nông sản Mỹ, Bắc Kinh đã thuyết phục Washington hoãn đợt áp thuế tiếp theo, dự kiến bắt đầu từ tuần này, trong bối cảnh các quan chức Nhà Trắng lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm chạp hơn của nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, trên bàn đàm phán của hai nước vẫn còn đó lời đe dọa đáng lo ngại nhất của Tổng thống Trump và “đám mây đen” u tối nhất đối với triển vọng của hai nước: đó là phần thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa còn lại của Trung Quốc, dự kiến bắt đầu được áp dụng từ ngày 15/12. Đòn áp thuế này sẽ khiến hàng loạt sản phẩm tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn.

“Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi tin rằng cả hai bên vẫn đang làm việc rất tích cực và dự kiến chúng tôi sẽ kết thúc vấn đề này”, Bộ Trưởng Tài chính Mxy Steven Mnuchin nói với ABC News ngày 13/10.

Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn cảnh giác. Mặc dù chứng khoán Mỹ tăng điểm vào tuần trước khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt, song mức tăng có xu hướng giảm xuống vào chiều ngày 11/10 khi các nhà đầu tư nhận ra thực tế trước mắt.

Mặc dù Tổng thống Trump gọi thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” được Mỹ và Trung Quốc thống nhất gần đây là “thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”, song thỏa thuận vẫn có một khuyết điểm lớn: đây vẫn chưa phải văn kiện cuối cùng được ký kết, mặc dù đã được đưa lên bàn đàm phán suốt hơn một năm qua.

Các nhà kinh tế vẫn hoài nghi và lo ngại về ý nghĩa thực sự của thỏa thuận này đối với đà tăng trưởng đang có chiều hướng đi xuống do cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 18 tháng qua.

“Hiện vẫn chưa có con đường khả thi nào cho việc giảm thuế quan và việc hai nước áp thuế lẫn nhau vẫn là một rủi ro đáng kể. Do vậy, chúng tôi chưa kỳ vọng vào sự hồi phục của các hoạt động kinh doanh có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức cao hơn”, các chiến lược gia Michael Zezas và Meredith Pickett của ngân hàng Morgan Stanley nhận định.

Theo Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, dù đã đạt được bước tiến triển mới nhất, song căng thẳng chưa thể hạ nhiệt ngay và các rủi ro kinh tế vẫn sẽ kéo dài khi các cuộc đàm phán chuyển qua các giai đoạn khác nhau.

Rào cản lớn

“Thỏa thuận giai đoạn 1 chủ yếu tập trung vào việc mua nông sản, hoãn áp thuế và tiếp cận thị trường. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi về chuyển giao công nghệ và an ninh quốc gia vẫn đối mặt với những rào cản lớn trước khi một giải pháp được đưa ra”, chuyên gia Yeung nhận định.

"Kinh nghiệm trước đây cho thấy các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không thực sự đáng tin như những gì được đưa vào văn bản, trong khi thỏa thuận lần này thậm chí còn chưa được viết ra giấy. Tuy nhiên, các tín hiệu hiện nay về thương mại vẫn cho thấy sự tích cực hơn một chút, nên nếu được duy trì, có thể giúp ngăn tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm sâu hơn", Tom Orlik và Yelena Shulyatyeva, hai nhà kinh tế học của Bloomberg, cho biết.

Trong tuần này dự kiến sẽ xuất hiện thêm nhiều báo cáo cho thấy rõ hơn về tình hình kinh tế thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 15/10 sẽ bắt đầu kỳ họp thường niên ở Washington, và báo cáo kinh tế thế giới của IMF có thể sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và 2020. Hồi tháng 7, IMF đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,2% trong năm nay và 3,5% trong năm 2020, đánh dấu đợt giảm thứ 4 kể từ tháng 10/2018.

Số liệu GDP quý 3 của Trung Quốc dự kiến sẽ công bố vào ngày 18/10, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc giảm còn 6,1%, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. Tốc độ tăng trưởng này khó có thể cho phép Trung Quốc đạt được các mục tiêu tăng trưởng dài hạn của nước này.

Các nhà kinh tế tỏ ra lạc quan hơn khi Mỹ và Trung Quốc gặp mặt đàm phán ở thời điểm hiện tại và lãnh đạo hai nước sẽ gặp nhau tại Diễn dàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới. Đây có thể là cơ hội để Mỹ và Trung Quốc đạt được tiến triển trong việc giải quyết những vấn đề gai góc hơn trong quan hệ thương mại song phương, chẳng hạn thực thi thỏa thuận và bảo vệ sở hữu trí tuệ

Thành Đạt

Theo Bloomberg