1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Gập ghềnh thương chiến Mỹ - Trung khi ông Trump vướng lùm xùm luận tội

(Dân trí) - Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp cao với Trung Quốc vào tháng tới, nguy cơ ông chủ Nhà Trắng bị luận tội được xem là bước ngoặt lớn ảnh hưởng tới tiến trình đạt thỏa thuận với Bắc Kinh.

Gập ghềnh thương chiến Mỹ - Trung khi ông Trump vướng lùm xùm luận tội - 1

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)

Ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khiến nước Mỹ “dậy sóng” khi thông báo mở một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Bà Pelosi từng khước từ lời kêu gọi bắt đầu các thủ tục tố tụng chính thức đối với ông Trump, trong và sau thời gian diễn ra cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller nhằm làm rõ nghi vấn đội ngũ của ông Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tuy nhiên lần này bà Pelosi đã hành động khi ông Trump bị “tố” gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ nặng ký của ông Trump trong cuộc bầu cử vào năm sau, cùng gia đình ông Biden.

Tổng thống Trump ngày 25/9 đã tìm cách chuyển hướng sự tập trung của dư luận ra khỏi cuộc điều tra luận tội. Ông khen ngợi nền kinh tế Mỹ và để ngỏ về một thỏa thuận thương mại cận kề với Trung Quốc.

“Chúng ta đã tạo ra nền kinh tế lớn nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta, nền kinh tế lớn nhất thế giới… Ngay bây giờ Trung Quốc đang đứng sau chúng ta và họ sẽ không bao giờ đuổi kịp nếu chúng ta có những người lãnh đạo thông minh. Chúng ta đã nhận được hàng nghìn tỷ USD, còn họ mất hàng nghìn tỷ USD. Họ rất muốn có một thỏa thuận. Nó có thể xảy ra sớm hơn các bạn nghĩ”, ông Trump nói với các phóng viên ngày 25/9.

Tổng thống Trump đưa ra bình luận trên chỉ một giờ sau khi ông công bố nội dung cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Ukraine hôm 25/7. Tổng thống phải chịu sức ép từ đảng Dân chủ và một số thành viên trong đảng Cộng hòa về việc công khai cuộc điện đàm này.

Trước đó, ông Trump bị cáo buộc gây sức ép với Tổng thống Zelensky để buộc Ukraine phải điều tra con trai cựu Phó Tổng thống Biden, người từng làm việc cho một công ty dầu khí Ukraine khi ông Biden đương chức. Ông Trump nghi ngờ ông Biden đã sử dụng quyền lực và mối quan hệ với Ukraine để giúp công ty Ukraine thoát cuộc điều tra hình sự.

Tổng thống Trump tuần trước nói rằng Trung Quốc muốn thấy một người khác, chứ không phải ông, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm sau. Tuy nhiên, theo Tổng thống Trump, Bắc Kinh vẫn nghĩ ông sẽ giành chiến thắng.

Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo Trung Quốc rằng, nếu một thỏa thuận đạt được sau cuộc bầu cử vào ngày 3/11/2020, đó sẽ là một thỏa thuận với các điều khoản “tồi tệ hơn nhiều”.

Tác động tới Trung Quốc

Thông báo về cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông Trump được đưa ra ngay sau khi tổng thống Mỹ chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York về các hành vi thương mại gây tranh cãi của Bắc Kinh. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phản bác phát biểu của ông Trump tại Liên Hợp Quốc, khẳng định Bắc Kinh sẽ không bị hăm dọa hay đầu hàng trước sức ép.

Các cuộc đàm phán thương mại với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, dự kiến sẽ vẫn diễn ra vào tháng đầu tháng 10. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đối mặt với sức ép về việc đạt được một thỏa thuận.

Edward Alden, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng cuộc điều tra luận tội có thể sẽ khiến ông Trump cẩn trọng hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

“Đặc biệt trong bối cảnh (ứng viên tổng thống đảng Dân chủ) Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đang vươn lên trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Trump có lẽ sẽ nhạy cảm hơn trước bất kỳ cáo buộc nào cho rằng ông đang yếu thế trước Trung Quốc. Thỏa thuận thực tế duy nhất (với Trung Quốc) sẽ chỉ là một thỏa thuận tạm thời và khiêm tốn. Thỏa thuận này sẽ tiềm ẩn rủi ro về chính trị đối với ông Trump, đặc biệt trong lúc đang diễn ra tiến trình luận tội. Câu hỏi lớn được đặt ra là liệu căng thẳng có leo thang tiếp hay không. Căng thẳng có thể sẽ khiến tổng thống phải trả giá nếu nó gây tổn hại cho nền kinh tế trong năm 2020”, chuyên gia Alden nhận định.

Theo Alden, những thách thức từ Quốc hội có xu hướng khiến tổng thống “đẩy mạnh lập trường cứng rắn, bất hợp tác” với Trung Quốc.

Michael Hirson, nhà phân tích chuyên sâu về Trung Quốc tại Tổ chức Âu - Á, cho biết ông hoài nghi về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện trước năm 2020, vì điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi đó, theo ông Hirson, cả hai nước đều chưa sẵn sàng thỏa hiệp hết mình.

“Ông Trump bây giờ có xu hướng đạt được một thỏa thuận “nhỏ” với Bắc Kinh, bao gồm việc để Bắc Kinh mua nông sản Mỹ và cung cấp một số sự hỗ trợ cho nông dân Mỹ. Ông Trump cũng cẩn trọng hơn trong việc leo thang thuế quan. Nếu ông Trump tìm kiếm một thỏa thuận vì ông chịu sức ép về chính trị, Bắc Kinh có thể sẽ theo đuổi một đường lối cứng rắn hơn và kiên quyết nhượng bộ ít hơn. Khi đó, một thỏa thuận yếu sẽ bị nhiều người tại Mỹ chỉ trích”, chuyên gia Hirson cho biết.

Một bài phân tích được đăng trên hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết, cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng tới cuộc đua tái tranh cử của ông vào năm 2020 nhiều hơn là thực sự bãi nhiệm ông ra khỏi Nhà Trắng ở thời điểm hiện tại.

“Nếu Trung Quốc nghĩ rằng ông Trump thực sự đang gặp rắc rối lớn, và về cơ bản sẽ không có thỏa thuận nào có thể được thông qua tại Quốc hội Mỹ, hoặc kể cả có thỏa thuận với ông Trump đi chăng nữa cũng đều có nguy cơ bị tổng thống tiếp theo, người có lập trường rất khác biệt (với ông Trump), xem xét lại, thì khi đó Trung Quốc sẽ không còn động lực để đạt thỏa thuận (với Mỹ)”, Jacques deLisle, giáo sư về luật và chính trị Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, nhận định.

“Nếu tôi ở vị thế của Trung Quốc, có lẽ tôi sẽ không làm điều gì quá gây chú ý, mà chỉ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra và sự rắc rối của ông Trump đang ở mức nào”, Giáo sư deLisle cho biết.

Hu Xijin, tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, tờ báo nhà nước Trung Quốc, cho rằng hơn một nửa số tổng thống Mỹ trong 30 năm gần đây phải đối mặt với các cuộc điều tra luận tội.

“Các tổng thống Mỹ phải dành hơn một nửa thời gian của họ để chơi những trò chơi chính trị kiểu này. Vì thế họ đừng than phiền về việc Trung Quốc phát triển quá nhanh”, ông Hu viết trên Twitter.

Thành Đạt

Theo Nikkei