Cách Singapore xử lý thi thể khi người chết vì Covid-19 gia tăng
(Dân trí) - Số ca tử vong do Covid-19 ở Singapore đang tăng nhanh hơn so với năm trước, ngành dịch vụ tang lễ cũng bắt đầu cảm nhận được sức ép và phải thay đổi những nghi thức truyền thống.
Dennis Pedrozo, một nhân viên nhà tang lễ ở Singapore, đã quá quen với công việc liên quan đến bảo quản thi thể vì đã có 24 năm kinh nghiệm trong nghề. Tuy vậy, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ trở nên mới mẻ bởi các nghi thức tang lễ truyền thống buộc phải thay đổi.
Mặc dù Singapore là một trong những quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới, nhưng số ca nhiễm và tử vong bất ngờ tăng nhanh hồi tháng 10 năm nay sau khi xuất hiện ổ dịch liên quan đến các quán karaoke, cảng cá.
Singapore chỉ ghi nhận 30 trường hợp tử vong trong suốt 14 tháng kể từ khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên hôm 23/1/2020. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến số ca tử vong tăng nhanh, với tổng cộng 391 ca ghi nhận từ ngày 1/4 đến ngày 1/11 năm nay. Tính đến ngày 23/11, Singapore ghi nhận hơn 250.000 ca nhiễm và 667 ca tử vong do Covid-19.
Khi các nhà tang lễ phải đối mặt với tình trạng số ca tử vong ngày càng tăng, Pedrozo đã phải chuyển sang sử dụng trang phục bảo hộ để vận chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 từ bệnh viện đến nhà hỏa táng.
Pedrozo làm việc tại Singapore Casket, một trong những nhà tang lễ lớn nhất ở nước này. Trước đại dịch, mỗi tháng, nhà tang lễ này xử lý khoảng 140-150 thi thể. Tuy vậy, trong tháng 10, họ đã phải xử lý 190 thi thể. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các nhà tang lễ không được phép bảo quản thi thể bệnh nhân Covid-19, mà phải bọc hai lớp nilon và khử khuẩn.
Khi nhân viên tang lễ thu thập thi thể, họ không được nhìn hay chạm trực tiếp vào thi thể. Thi thể sẽ được đặt vào bên trong quan tài, sau đó nắp quan tài được dán bằng silicon để đảm bảo mầm bệnh không lây lan trong quá trình vận chuyển từ bệnh viện đến nhà tang lễ.
Nếu gia đình người chết vẫn muốn tổ chức nghi thức tang lễ, các thành viên trong gia đình phải xác nhận danh tính người thân của họ thông qua một tấm biển gắn với quan tài và các nghi thức tang lễ được tiến hành đơn giản. Jeffrey Lee, quản lý nhà tang lễ, cho biết thậm chí một số trường hợp, bệnh nhân Covid-19 được hỏa táng mà không có người thân ở đó. "Gia đình họ ủy quyền cho chúng tôi xử lý mà không có mặt họ, kể cả những nghi thức tiễn đưa", ông Lee nói.
"Nhiều người sợ lây nhiễm nên đề nghị hỏa táng luôn, không cần cử hành các nghi thức", Pedrozo cho biết. Khi người chết vì Covid-19 hỏa táng không có người thân bên cạnh, một số nhà sư có thể tình nguyện thực hiện các nghi lễ cầu cho người đã mất siêu sinh tịnh độ.
Sau khi hoàn tất các nghi lễ cuối cùng, nhân viên tang lễ mặc quần áo bảo hộ sẽ chuyển quan tài vào lò hỏa táng. Quá trình hỏa táng kéo dài khoảng 4-5 giờ đồng hồ.
Nhà tang lễ Singapore Casket thực hiện các nghi thức tang lễ miễn phí cho bệnh nhân Covid-19. Cơ quan môi trường Singapore cho biết, các bệnh nhân Covid-19 tử vong chủ yếu được hỏa táng, nhưng vẫn có thể được phép chôn cất thông thường vì những lý do tín ngưỡng. Năm 2020, 82% trong số 22.000 người chết ở Singapore được hỏa táng, trong khi chỉ 18% chôn cất. Con số này về cơ bản ổn định suốt một thập niên qua.
Cách thức xử lý thi thể người chết do Covid-19 ở Singapore không giống một số nước trong khu vực. Tại Philippines, chính quyền các địa phương được chỉ đạo phải đảm bảo thi thể người chết do Covid-19 hay do nghi nhiễm Covid-19 phải được hỏa táng hoặc chôn cất trong vòng 12 giờ kể từ khi qua đời. Các nhà tang lễ và nhà hỏa táng có thể bị tước giấy phép hoạt động nếu từ chối tiếp nhận thi thể. Trong khi đó, thời hạn tối đa này ở Ấn Độ là 24 giờ. Tại Indonesia, rất ít người lựa chọn phương án hỏa táng người chết. Ở Bogor, các tình nguyện viện tham gia chôn cất người chết, đôi khi không dùng trang phục bảo hộ.