1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách giúp đội bóng Thái Lan cầm cự trước khi được đưa ra khỏi hang

(Dân trí) - Đội bóng Thái Lan cần chuẩn bị sẵn sàng cả về tâm lý và thể lực để có thể duy trì cuộc sống trong hang trong nhiều tuần trước khi được lực lượng cứu hộ giải cứu ra ngoài.

Các thành viên của đội bóng Thái Lan được tiếp tế chăn, đồ ăn, thuốc men trong hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)
Các thành viên của đội bóng Thái Lan được tiếp tế chăn, đồ ăn, thuốc men trong hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

12 thành viên của đội bóng thiếu niên Thái Lan, tuổi từ 11-16, và huấn luyện viên 25 tuổi được tìm thấy còn sống bên trong hang Tham Luang tại tỉnh Chiang Rai sau khi bị mắc kẹt từ ngày 23/6. Theo một số chuyên gia, do hiện tại đang là mùa mưa ở Thái Lan nên đội bóng có thể sẽ phải ở lại trong hang tới tháng 10 trước khi nước trong hang rút bớt xuống, từ đó cho phép cả 13 người rời khỏi hang an toàn. Điều đó đồng nghĩa với việc các cậu bé và huấn luyện viên của mình sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cả về thể lực và tâm lý từ bây giờ cho tới khi được giải cứu ra khỏi hang.

Nhu cầu cấp bách

Theo ông Narongsak Ostanakorn, cựu thống đốc tỉnh Chiang Rai, không ai trong số 13 người bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ở trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Tuy nhiên, một số người có thể đã bị thương. Họ đang được đội cứu hộ tiếp tế thuốc giảm đau và kháng sinh để bảo vệ sức khỏe.

Theo nhà sinh lý học Mike Tipton tại Đại học Portsmouth, Anh, việc duy trì sự sống trong các điều kiện khắc nghiệt phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản xếp theo mức độ quan trọng như sau: khí ô xy, nhiệt độ ổn định và nằm trong ngưỡng chịu đựng được, nước uống và đồ ăn.

“Nếu đảm bảo được các yếu tố đầu tiên, họ có thể sống sót được vài tuần. Trong bất kỳ hoàn cảnh sinh tồn nào, họ cũng phải trải qua các yếu tố theo thứ tự như trên”, chuyên gia Tipton cho biết.

Đối với trường hợp của đội bóng Thái Lan, hang Tham Luang nơi họ đang bị mắc kẹt có đủ lượng ô xy cần thiết và nhiệt độ phù hợp. Theo một số nguồn tin, trước khi được đội cứu hộ tìm thấy vào tối 2/7, các thành viên trong đội bóng sống sót được là nhờ uống nước chảy xuống từ các khối đá vôi trong hang. Hiện nay, họ đã được tiếp tế nước uống và đồ ăn từ đội cứu hộ.

Khẩu phần ăn

Đội cứu hộ mặc đồ lặn chuẩn bị vào hang Tham Luang (Ảnh: Nation)
Đội cứu hộ mặc đồ lặn chuẩn bị vào hang Tham Luang (Ảnh: Nation)

Một người có thể sống mà không cần đồ ăn trong vài tuần, nhưng trong trường hợp đội bóng Thái Lan phải cầm cự trong hang từ nay cho tới tháng 10, họ cần phải được tiếp tế lương thực. Các thợ lặn đã mang một số loại đồ ăn cho 13 người mắc kẹt và giới chức Thái Lan vẫn đang tính toán cẩn trọng về việc loại đồ ăn nào sẽ là tốt nhất cho đội bóng trong những tuần sắp tới.

“Khẩu phần ăn để duy trì sự sống nói chung thường có hàm lượng chất béo và đường cao. Nên tránh không tiêu thụ quá nhiều protein. Vì khi bạn hấp thu nhiều protein, nó sẽ làm tăng tình trạng mất nước”, chuyên gia Tipton nhận định.

Đồng hồ sinh học

Một vấn đề đặt ra cho đội bóng hiện nay là làm sao để duy trì đồng hồ sinh học của cơ thể khi ở trong hang tối. Việc phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người.

Chu kỳ sinh học kéo dài 24 giờ cần được duy trì đồng bộ thông qua việc tiếp xúc với ánh sáng, do vậy cần lưu ý tới việc giúp 13 người bị mắc kẹt duy trì nhịp sinh học của họ. Không phải ngẫu nhiên mà các thí nghiệm sơ khai về nhịp sinh học được tiến hành trong hang động.

Tuy vậy, theo ông Tipton, ánh sáng không phải là yếu tố duy nhất tác động tới nhịp sinh học. Một người có thể thiết lập lại nhịp sinh học bằng cách đặt ra các khoảng thời gian giữa các bữa ăn.

Vấn đề tâm lý

Đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan bám dây thừng di chuyển qua hang ngập nước (Ảnh: Reuters)
Đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan bám dây thừng di chuyển qua hang ngập nước (Ảnh: Reuters)

Nhà tâm lý học David Paterson tại Đại học Oxford nhận định thách thức chính đặt ra cho đội bóng và huấn luyện viên của họ bây giờ là vấn đề tâm lý.

“Vì họ đang sống trong một không gian hẹp và không có ánh sáng tự nhiên, nên điều đó sẽ ảnh hưởng tới họ. Việc giữ vững tinh thần là yếu tố sống còn”, chuyên gia Paterson cho biết.

Ông Paterson so sánh các điều kiện sống ở trong hang với sự cô lập mà các phi hành gia phải trải qua. Các cuộc nghiên cứu về tâm lý của các phi hành gia cho thấy việc đội ngũ hỗ trợ duy trì liên lạc tốt với cả nhóm phi hành gia, thông báo chính xác cho họ tình hình đang diễn ra và giúp họ bám sát chu kỳ ngày - đêm sẽ giúp họ giữ vững được tinh thần.

Đối với trường hợp của đội bóng Thái Lan, việc đội cứu hộ giúp các cậu bé luôn cảm thấy được quan tâm là một ý tưởng hay. Nếu đội cứu hộ có thể kết nối liên lạc giữa đội bóng ở trong hang với các thành viên trong gia đình họ ở ngoài hang hay bất ngờ tặng quà cho họ trong quá trình tiếp tế có thể giúp nâng cao tinh thần của đội bóng trong lúc chờ đợi được giải cứu.

Khó khăn khi giải cứu

Các nhà chức trách Thái Lan đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp tốt nhất để giải cứu toàn bộ 13 người mắc kẹt trong hang Tham Luang. Một phương án đang được cân nhắc nhiều nhất là giúp các cậu bé lặn ra khỏi hang. Tuy vậy, phương án này được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro vì nước trong hang vẫn chảy xiết và các cậu bé đều chưa biết bơi, chứ chưa nói đến kỹ năng lặn.

Mưa vẫn đang tiếp tục trút xuống khu vực hang Tham Luang và nước trong hang có thể sẽ còn dâng cao hơn nữa. Điều này có thể gây nguy hiểm cho mô đất khô ráo trong hang - nơi đội bóng đang trú chân. Ngoài ra, nước dâng cao cũng có thể khiến cho đội cứu hộ khó tiếp cận vị trí của đội bóng để tiếp tế. Do vậy, các bộ trưởng Thái Lan vẫn đang nhóm họp để tính phương án sơ tán 13 người mắc kẹt trước khi mọi việc diễn biến phức tạp hơn.

Giới chức Thái Lan khẳng định sẽ chỉ đưa các cậu bé ra ngoài nếu bảo đảm được sự an toàn cho họ.

“Chúng tôi tự tin 100% rằng sẽ không có bất kỳ rủi ro nào đối với các cậu bé khi chúng tôi sơ tán. Chúng tôi sẽ chăm sóc chúng như con cái chúng tôi”, tỉnh trưởng Narongsak Ostanakorn nói với các phóng viên.

Đồ họa đường đi của đội cứu hộ tới vị trí của đội bóng bị mắc kẹt (Ảnh: Bangkok Post)
Đồ họa đường đi của đội cứu hộ tới vị trí của đội bóng bị mắc kẹt (Ảnh: Bangkok Post)

Thành Đạt

Theo New Scientist