1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nước trên thế giới phạt người vi phạm luật giao thông như thế nào?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều quốc gia trên thế giới có các hình phạt nghiêm khắc với hành vi vi phạm luật giao thông.

Các nước trên thế giới phạt người vi phạm luật giao thông như thế nào? - 1

Xe hơi di chuyển trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc

Tại Trung Quốc, hình phạt do vi phạm giao thông phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Chính phủ Trung Quốc thực thi luật giao thông nghiêm ngặt và hình phạt dao động từ phạt tiền, trừ điểm trên bằng lái xe đến phạt tù.

Với tội vượt đèn đỏ, mức phạt là 200-500 nhân dân tệ (27-69 USD) và trừ 3 điểm vào giấy phép lái xe. Nếu tài xế bị trừ 12 điểm trở lên trong vòng một năm, giấy phép của họ sẽ bị đình chỉ. Sau đó, họ phải học lại các lớp an toàn giao thông và vượt qua kỳ thi để lấy lại giấy phép.

Với một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng như lái xe khi say rượu, hoặc bỏ chạy khi gây tai nạn, tài xế có thể bị thu hồi giấy phép ngay lập tức và có khả năng bị truy tố hình sự.

Với hành vi lái xe khi say rượu, luật an toàn giao thông và luật hình sự quy định, nếu nồng độ cồn ở mức thấp (từ 0,02% đến 0,08%): Phạt tiền lên đến 1.000 tệ (135 USD) và trừ 6 điểm vào bằng lái.

Nếu nồng độ cồn trong máu ở mức cao, trên 0,08%: Có thể bị giam giữ hành chính (lên đến 15 ngày), phạt tiền tối đa 2.000 tệ (270 USD) và bị đình chỉ giấy phép lái xe lên đến 5 năm.

Khi tài xế mắc tội lái xe vượt quá tốc độ, nếu mức vượt 20-50km/h, mức phạt là 200 tệ (27 USD) và trừ 3 điểm. Tốc độ vượt quá 50km/h, phạt từ 200-2.000 tệ (27-270 USD).

Một số khu vực cũng sử dụng camera giám sát và hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và phát hiện các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ và đỗ xe trái phép.

Ở một số thành phố, những người tài xế vi phạm sẽ bị buộc phải tham gia chương trình đào tạo về an toàn giao thông. Trong một số trường hợp, họ có thể phải công khai xin lỗi về sai lầm, nhằm răn đe người khác. Tuy nhiên, những hình phạt này cũng gây tranh cãi vì có nguy cơ làm lộ thông tin cá nhân của người vi phạm. 

Theo BBC, năm 2018, một chính quyền ở tỉnh Hồ Nam đã gây chú ý khi sử dụng một bảng quảng cáo điện tử lớn để công khai những tài xế vi phạm luật giao thông, cũng như hình ảnh họ vi phạm.

Trong khi đó, vào năm 2017, tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, người vi phạm luật giao thông sẽ phải biểu diễn một điệu nhảy ở nơi công cộng như một phần của hình phạt. Động thái này nhằm thu hút sự chú ý đến hành vi vi phạm và khuyến khích hành vi có trách nhiệm hơn.

Cũng vào năm 2017, tỉnh Giang Tây yêu cầu những người vi phạm luật giao thông đứng trước đám đông và thừa nhận các lỗi của mình một cách công khai. Hình thức này là một phần trong nỗ lực thực thi trách nhiệm xã hội và khuyến khích tự động nhận thức về an toàn giao thông.

Mỹ

Mỗi bang có những hình phạt khác nhau. Vi phạm luật giao thông thường dẫn tới tài xế phải nộp phạt, trừ điểm trên bằng lái, hoặc thậm chí là phạt tù, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, một số khu vực đã thử nghiệm các hình phạt độc đáo hoặc sáng tạo hơn để ngăn chặn những người tái phạm và thúc đẩy lái xe an toàn hơn.

Một số khu vực pháp lý đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để công khai những tài xế đã vi phạm luật giao thông. Ví dụ, theo trang tin NorthJersey.com, một thành phố ở New Jersey đã triển khai một chương trình trong đó những người bị bắt khi lái xe không có giấy phép hoặc bảo hiểm sẽ bị công khai hình ảnh xe lên mạng xã hội của thành phố. Cách tiếp cận này có tác dụng như một biện pháp răn đe.

Theo CBS News, một số tiểu bang hoặc khu vực ở Mỹ cũng đã buộc tài xế vi phạm phải nộp phạt và tham gia các chương trình đặc biệt. Tại đây, họ sẽ lắng nghe nạn nhân của hành vi vi phạm giao thông kể lại hậu quả đã xảy ra với họ từ sai lầm của người khác. Mục tiêu của chương trình này là khiến các tài xế có trách nhiệm hơn trên đường.

Theo Chicago Tribune, ở một số tiểu bang, người vi phạm giao thông được yêu cầu hoàn thành dịch vụ cộng đồng, ví dụ như tham gia các chiến dịch tuyên truyền về an toàn giao thông tại địa phương, như phát tờ rơi về an toàn cho người đi bộ, thậm chí giúp tuần tra giao thông trong giờ cao điểm.

Trong một số trường hợp, những người vi phạm lại tái phạm hoặc những vi phạm nghiêm trọng có thể phải dán một miếng dán lớn trên xe của họ để thông báo về việc họ đã mắc sai lầm.

Phần Lan

Ở Phần Lan nói riêng và một số nước châu Âu nói chung, có một hình phạt được gọi là tiền phạt dựa trên thu nhập.

Hệ thống này liên kết số tiền phạt trực tiếp với thu nhập của người vi phạm, đảm bảo rằng hình phạt này công bằng giữa các nhóm kinh tế xã hội khác nhau. Công thức tính sẽ là xác định thu nhập khả dụng hàng ngày của người vi phạm và sau đó nhân với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Khoản thu nhập nói trên sẽ được trừ đi bảo hiểm xã hội, thuế, và người phụ thuộc, rồi mới đem tính thu nhập hàng ngày. Vì vậy, người càng có thu nhập cao bị vi phạm thì mức phạt sẽ càng cao.

Đặc biệt với các vi phạm ở mức độ nghiêm trọng cao hơn, sẽ có hệ số nhân được áp dụng tăng lên. Hình phạt ở nước này được đánh giá cao vì tính công bằng dựa trên thu nhập nhưng cũng bị chỉ trích vì có thể quá khắc nghiệt đối với những người có thu nhập cao.

Ở Na Uy, tiền phạt vi phạm giao thông có thể rất cao, đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng như chạy quá tốc độ hoặc lái xe khi say rượu. Những khoản tiền phạt này thường tỷ lệ thuận với thu nhập của người vi phạm. Ví dụ, những cá nhân giàu có có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới hàng chục nghìn USD.

Thái Lan

Theo Bangkok Post, ngoài những hình phạt thông thường khi vi phạm an toàn giao thông, Thái Lan có thể yêu cầu tài xế phạm luật nghiêm trọng như lái xe khi say rượu, thực hiện dịch vụ cộng đồng, ví dụ như hỗ trợ tại các bệnh viện điều trị nạn nhân tai nạn giao thông.

Biện pháp này nhằm mục đích tạo ra ý thức trách nhiệm và sự đồng cảm bằng cách cho người vi phạm thấy hậu quả của việc lái xe liều lĩnh.

Các hành vi vi phạm như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ và lái xe khi say rượu sẽ bị phạt rất nặng, gần đây đã được tăng lên để răn đe mạnh hơn. Những người tái phạm có thể bị phạt tù và phạt tiền nặng hơn.

Theo CBS, BBC