1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nước xử phạt hành vi uống rượu, bia khi lái xe thế nào?

(Dân trí) - Nhiều quốc gia trên thế giới có chính sách trừng phạt rất nặng, không khoan nhượng với hành vi uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Thậm chí có nước còn bỏ tù những người có nồng độ cồn trong máu và trong khí thở cao vượt mức cho phép.

Các nước xử phạt hành vi uống rượu, bia khi lái xe thế nào? - 1

(Ảnh minh họa: AIER)

Mỹ

Theo trang tin sức khỏe WebMD của Mỹ, nước này có những quy định rất rõ ràng và cụ thể về việc uống rượu bia khi lái xe. Toàn bộ các bang quy định rằng những người từ 21 tuổi trở lên được lái xe khi nồng độ cồn trong máu là 80 mg/100 ml. Trên hoặc bằng mức này, một người sẽ bị coi là lái xe khi say xỉn và vi phạm luật.

Ngoài ra, từng bang sẽ có luật riêng liên quan tới từng nhóm công việc và nghề nghiệp. Ví dụ, tại một số bang, đối với tài xế xe buýt trường học, giới hạn nồng độ cồn trong máu là 20 mg/100 ml.

Với những công dân dưới 21 tuổi, việc uống rượu khi lái xe là phạm pháp bất kể chỉ số đo được là bao nhiêu.

Các hình phạt xử lý ở từng bang là khác nhau. Ví dụ, bang Wisconsin sẽ tịch thu phương tiện nếu người điều khiển phạm tội “điều khiển phương tiện dưới ảnh hưởng của chất có cồn”.

Hầu hết các bang đều có chính sách không khoan nhượng với việc lái xe uống rượu bia. Ví dụ, với những người vi phạm dưới 21 tuổi, bằng lái của họ sẽ bị tịch thu. Nhiều bang có luật quy định phạt tù với những người tái phạm lần 2 tội uống rượu bia khi lái xe cũng như những khoản phạt từ vài trăm tới hàng nghìn USD.

Với những trường hợp bị thu bằng lái, để có thể lấy lại chứng chỉ, họ cần phải trải qua một quá trình kéo dài từ việc gặp các cố vấn chuyên môn, tham gia lớp học về an toàn khi điều khiển phương tiện giao thông…

Các nước châu Á

Tại Singapore, giới hạn cho phép là 35 microgam trong 100ml khí thở, hoặc 80mg/100ml máu. Cảnh sát có thể yêu cầu người lái xe thổi vào máy để kiểm tra nồng độ cồn. Nếu người điều khiển không hợp tác, họ có thể bị bắt ngay mà không cần lệnh. Nếu bị kết tội uống chất có cồn khi lái xe, người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt từ khoảng 1.500-7.400 USD và tối đa 1 năm tù. Những người tái phạm lần 2 sẽ phải đối mặt với khoản phạt 3.700-14.800 USD và tối đa 2 năm tù. Người vi phạm cũng sẽ bị thu bằng ít nhất 2 năm (ít nhất 5 năm với người tái phạm).

Tại Hàn Quốc, luật giao thông mới được sửa đổi từ giữa năm ngoái cho phép nồng độ cồn trong máu ở ngưỡng 30mg/100ml. Vượt quá mức này, tài xế sẽ bị tịch thu bằng lái trong 90 ngày. Nếu chỉ số vượt qua 80mg/100ml, người điều khiển sẽ bị tịch thu bằng lái trong 1 năm.

Tại Trung Quốc, nồng độ cồn trong máu khi lái xe không được phép vượt quá 20mg/100ml, theo BBC. Nếu con số trên vượt qua 80mg/100ml máu, người điều khiển có thể bị phạt nặng và thậm chí ngồi tù. Tài xế bị ảnh hưởng bởi rượu bia gây chết người hoặc tai nạn nghiêm trọng có thể sẽ bị tịch thu bằng lái vĩnh viễn.

Tại Nhật Bản, nồng độ cồn trong máu khi lái xe phải thấp hơn 30mg/100ml. Hình phạt ở Nhật Bản là rất nặng đối với các trường hợp vi phạm.

Châu Âu

Tại Anh, tùy theo từng vùng mà cách thức thử nghiệm nồng độ cồn sẽ khác nhau. Tuy nhiên, quy định cụ thể là lái xe phải có các chỉ số như sau: nồng độ cồn trong máu dưới 80mg/100ml, nồng độ cồn trong khí thở 35microgram/100ml, hoặc nồng độ cồn trong nước tiểu dưới 107mg/100ml.

Theo luật Anh, sau rượu khi lái xe là tội hình sự. Việc từ chối cảnh sát thử hơi thở cũng được coi là phạm tội. Với người vi phạm lần đầu, mức phạt tối đa là ngồi tù 6 tháng, phạt gần 6.600 USD và và thu bằng 12 tháng. Với người tái phạm trong 10 năm kể từ lần đầu vi phạm, lệnh cấm điều khiển phương tiện sẽ kéo dài 3 năm. Đối tượng say rượu khi lái xe gây chết người có thể sẽ phải ngồi tù 14 năm, bị thu bằng 2 năm và phải thi lại bằng lái trước khi được tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông.

Tại Pháp, lái xe với nồng độ cồn trong máu vượt quá 50mg/100ml sẽ bị coi là phạm pháp. Với người mới được cấp bằng lái dưới 3 năm, mức quy định là 20mg/100ml máu. Tài xế xe buýt vi phạm có thể bị tước bằng 3 năm. Nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 80mg/100ml, tài xế có thể bị phạt tới khoảng 5.000 USD, tối đa 2 năm tù và cấm lái xe trong 3 năm.

Tại Đức, người có ít hơn 2 năm kinh nghiệm lái xe hoặc dưới 21 tuổi bị cấm hoàn toàn sử dụng chất có cồn. Mức cho phép theo luật Đức là dưới 30mg/100ml. Người lái xe đạp cũng có quy định về việc sử dụng chất có cồn với nồng độ cồn trong máu là 160mg/100ml. Nếu gây ra tai nạn, người lái xe đạp nhận hình phạt tương tự như với tài xế ô tô. Hình phạt thấp nhất ở Đức là khoảng 560 USD và thu bằng lái xe. Mức phạt tăng lên theo nhiều nấc tùy vào quy định về chỉ số và hậu quả gây ra do tài xế bị ảnh hưởng bởi chất có cồn.

Đức Hoàng

Tổng hợp