Các nước ráo riết sơ tán công dân khỏi tâm dịch Vũ Hán
(Dân trí) - Mỹ chuẩn bị sơ tán thêm hàng trăm công dân, trong khi Canada, Brazil cũng lên kế hoạch bắt đầu sơ tán công dân khỏi thành phố Vũ Hán, nơi được xem là “ổ dịch” virus corona chủng mới tại Trung Quốc.
CNN dẫn lời một quan chức Mỹ ngày 4/2 cho biết, khoảng 550 công dân Mỹ sẽ được đưa lên 2 chuyến bay rời khỏi thành phố Vũ Hán trong thời gian tới. Đây là chuyến bay thứ hai và thứ ba được chính phủ Mỹ sắp xếp để đưa người dân nước này rời khỏi “tâm dịch” tại Trung Quốc, sau chuyến bay đầu tiên vào tuần trước.
Theo quan chức trên, hai chuyến bay sắp tới của Mỹ dự kiến sẽ hạ cánh tại hai căn cứ quân sự ở California: gồm căn cứ Miramar ở San Diego và căn cứ Travis nằm giữa San Francisco và Sacramento. Thông tin chi tiết về hai chuyến bay này hiện vẫn chưa được công bố.
Chuyến bay đầu tiên chở gần 200 công dân Mỹ, gồm các nhà ngoại giao và gia đình của họ, đã tới căn cứ ở Nam California vào ngày 29/1. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người được sơ tán từ Vũ Hán.
Trong thông báo trên Twitter ngày 4/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các chuyến bay sơ tán công dân Mỹ khỏi Vũ Hán đang được sắp xếp và những người dân có nguyện vọng về nước nên liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua thư điện tử. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến cáo các công dân Mỹ vẫn đang ở Trung Quốc nên có các biện pháp phòng ngừa, bao gồm việc tích trữ đồ ăn.
Theo Reuters, một nguồn tin chính phủ Canada cho biết nước này muốn sơ tán khoảng 300 công dân khỏi Vũ Hán khi dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra ngày càng diễn biến phức tạp. Các công dân Canada tại Vũ Hán đã nhận được thư từ Bộ Ngoại giao nước này, thông báo máy bay chở người Canada sơ tán khỏi Vũ Hán sẽ rời đi vào ngày 6/2.
Tuy nhiên, nguồn tin trên cho biết chính phủ Trung Quốc hiện vẫn chưa đồng ý với kế hoạch sơ tán dân của Canada.
Phát biểu trước cuộc họp nội các ngày 4/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết: “Hiện tại, số lượng người Canada đề nghị được sơ tán nhiều hơn số ghế trên máy bay. Đó là lý do chúng tôi đã lên phương án cho chuyến bay thứ hai”.
Ông Trudeau nói rằng mục đích của việc sắp xếp các chuyến bay sơ tán nhằm đưa công dân Canada về nước trong khoảng thời gian sớm nhất và kế hoạch này có thể chỉ kéo dài trong “vài ngày tới”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Canada ngày 3/2 cho biết khoảng 300 công dân nước này đã đề nghị được sơ tán khỏi Vũ Hán. Máy bay dự kiến sẽ hạ cánh xuống Vancouver để tiếp nhiên liệu, trước khi di chuyển tới một căn cứ quân sự ở phía nam Ontario.
Những người được sơ tán sẽ phải cách ly trong 14 ngày sau khi tới căn cứ không quân Trenton, cách đông bắc Toronto khoảng 180 km.
Brazil ngày 4/2 thông báo đã nhận được sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc, cho phép Brazil đưa hai máy bay tới Vũ Hán để sơ tán công dân.
Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Fernando Azevedo cho biết 2 máy bay Embraer C-190 36 chỗ do Không quân Brazil vận hành sẽ rời đi vào sáng 5/2, sau đó dừng tiếp nhiên liệu ở Tây Ban Nha và Ba Lan, trước khi tới Vũ Hán vào ngày 7/2.
Ngoại trưởng Brazil Ernesto Araujo cho biết 29 người sẽ được sơ tán. Tất cả những người được sơ tán, nhân viên y tế và phi hành đoàn trên hai máy bay sẽ bị cách ly trong 18 ngày tại một căn cứ không quân ở Anapolis, cách thủ đô Brasilia 150 km về phía tây.
Theo CNA, Anh ngày 4/2 khuyến cáo công dân nước này rời khỏi Trung Quốc nếu có cơ hội, đồng thời cho biết việc các hàng hãng không dừng bay và lệnh hạn chế đi lại sẽ khiến quá trình rời khỏi Trung Quốc trở nên khó khăn trong vài tuần tới.
“Chúng tôi khuyên công dân Anh rời khỏi Trung Quốc nếu họ có thể, để giảm tối thiểu nguy cơ tiếp xúc với virus. Đối với các công dân Anh tại tỉnh Hồ Bắc, những người có mong muốn được sơ tán, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết.
Bộ Ngoại giao Anh cũng thông báo một số nhân viên làm việc tại đại sứ quán và lãnh sự quán Anh đang được rút khỏi Trung Quốc. Các nhân sự phụ trách các vấn đề quan trọng như hỗ trợ lãnh sự quán vẫn sẽ ở lại.
Tính đến nay đã có 22 quốc gia thông báo các biện pháp hạn chế về thương mại hoặc đi lại liên quan tới sự bùng phát của virus corona chủng mới. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 4/2 cho rằng “các biện pháp hạn chế này có thể dẫn tới việc gia tăng nỗi sợ hãi” và không mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng đồng.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Chen Xu cho rằng một số biện pháp của các nước nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona đã đi ngược lại với khuyến cáo của WHO, bao gồm việc cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó, hay dừng cấp thị thực hoặc đình chỉ các chuyến bay tới Trung Quốc.
“Không nên phản ứng thái quá. Các bạn nên tuân thủ khuyến cáo của WHO, hạn chế đưa ra các giới hạn về đi lại hay thương mại, tránh các hành động phân biệt đối xử và miệt thị”, Đại sứ Chen nhấn mạnh.
Thành Đạt
Tổng hợp