1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các nước lo ngại về quân sự hoá Biển Đông

(Dân trí) - Tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN ở Manila, Philippines, nhiều nước tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông, các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và quân sự hoá trên Biển Đông, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, vấn đề trên được đề cập trong Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (SOM) và các hội nghị liên quan diễn ra hôm qua (23/5) tại Manila, Philippines.

Trong khuôn khổ SOM đã diễn ra Hội nghị SOM ASEAN+3 giữa ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hội nghị SOM EAS giữa ASEAN với 8 bên đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ (ASEAN+3 và EAS). Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự các Hội nghị này.

Trọng tâm của các Hội nghị này là kiểm điểm tình hình và bàn định hướng hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN+3 và EAS, chuẩn bị chương trình nghị sự và các văn kiện của các Hội nghị cấp Bộ trưởng sẽ diễn ra tại Philippines vào tháng 8/2017.


Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự các Hội nghị (ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự các Hội nghị (ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay, tại Hội nghị ASEAN + 3, các nước khẳng định tiếp tục coi trọng vai trò của ASEAN+3 và những đóng góp của cơ chế này, qua 20 năm hình thành và phát triển, đối với hợp tác khu vực, trên cơ sở đó, nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN+3 vào tháng 11/2017.

Về định hướng hợp tác, Hội nghị ghi nhận tiến trình xây dựng Kế hoạch công tác giai đoạn mới 2018-2022 thay thế Kế hoạch công tác hiện tại (2013-2017) để trình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (8/2017) thông qua; đồng thời kêu gọi các nước tích cực đóng góp cho Quỹ ASEAN+3 để đảm bảo nguồn lực cho hợp tác.

Hội nghị cũng nhất trí đẩy mạnh triển khai các khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn Đông Á (EAVG) và bàn biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tự do hoá thương mại, giảm thiểu các rào cản phi thuế quan, phát triển kinh tế sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển du lịch bền vững, kết nối, giao lưu văn hoá và giao lưu nhân dân.

Tại Hội nghị SOM EAS, các nước nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và củng cố EAS là diễn đàn đối thoại hàng đầu của các nhà Lãnh đạo về các vấn đề chiến lược, hoạt động năng động và có khả năng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh và phát triển chung của khu vực. Ngoài ra, các quan chức EAS cũng thảo luận các đề xuất hợp tác về một số vấn đề cùng quan tâm như giảm nghèo, phòng chống bệnh dịch, chống khủng bố và cực đoan hoá, chống phổ biến vũ khí, an ninh và hợp tác biển.


Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (SOM) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Manila, Philippines (ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (SOM) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Manila, Philippines (ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Lo ngại về tình hình Biển Đông

ASEAN và các bên đối tác cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở, trong đó có tình hình Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của giảm căng thẳng, đối thoại và giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nhiều nước tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông, các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và quân sự hoá trên Biển Đông. Trong bối cảnh này, các nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Các nước hoan nghênh nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các tiến bộ mới trong trao đổi giữa hai bên về văn bản khung của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), mở đường cho xây dựng COC thực chất, hiệu quả và có tính ràng buộc về pháp lý.

Châu Như Quỳnh