Các nước "không phục" vắc xin Covid-19 của nhau
(Dân trí) - Cuộc chạy đua vắc xin Covid-19 giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây vẫn chưa hết "nóng" khi các bên tìm cách đánh giá thấp hiệu quả vắc xin của nhau.
Các nhà sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) phải xin lỗi sau khi một quan chức của cơ quan này cảnh báo các nước EU không nên vội vàng cấp phép cho vắc xin ngừa Covid-19 của Nga.
"Chúng tôi cần các tài liệu để có thể xem xét. Hiện tại chúng tôi không có dữ liệu về những người được tiêm chủng vắc xin Sputnik V. Đó là lý do tại sao chúng tôi khẩn cấp khuyến cáo các quốc gia thành viên EU không nên cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Sputnik V do Nga sản xuất", bà Christa Wirthumer-Hoche, người đứng đầu EMA, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình hôm 7/3. Bà thậm chí so sánh việc cấp phép khẩn cấp cho vắc xin của Nga giống như một "trò chơi sinh tử".
Đáp lại, các nhà sản xuất vắc xin của Nga cho rằng, bình luận của bà Wirthumer-Hoche "đã đặt ra những vấn đề nghiêm túc về khả năng có sự can thiệp chính trị vào quá trình thẩm định vắc xin".
Các nước châu Âu không chỉ hoài nghi về hiệu quả và mức độ an toàn của vắc xin của Nga, mà họ còn hoài nghi với vắc xin của Trung Quốc. Trung Quốc hiện có ít nhất 6 ứng viên vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối và là một trong số ít quốc gia có thể sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 quy mô lớn. Mỹ và nhiều nước châu Âu chỉ trích Trung Quốc không công bố đầy đủ các dữ liệu liên quan đến vắc xin. Họ thậm chí nhắc lại những bê bối vắc xin trước kia ở Trung Quốc.
Trong khi tiếp tục đối mặt với những hoài nghi về sự minh bạch dữ liệu, Trung Quốc đã tiến hành tiêm chủng vắc xin nội địa cho các nhóm công dân ưu tiên và chưa cấp phép cho bất cứ vắc xin Covid- 19 nào của các hãng dược phương Tây. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh "ngoại giao vắc xin" với cam kết cung cấp nửa tỷ liều cho hàng chục quốc gia trên thế giới. Điều này cùng với giá thành rẻ giúp vắc xin Covid-19 của Trung Quốc nhanh chóng tỏa đi nhiều nơi trên thế giới bất chấp những hoài nghi. Thậm chí, bất chấp cảnh báo của cơ quan quản lý dược, một số nước châu Âu, trong đó có Hungary, đã cấp phép sử dụng vắc xin của Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, truyền thông của nước này cũng không ít lần đánh giá thấp vắc xin Covid-19 của các hãng dược phương Tây. Báo Global Times hồi tháng 1 đưa tin, các chuyên gia Trung Quốc khuyến cáo Na Uy và một số nước đình chỉ việc sử dụng vắc xin của một số công ty phương Tây như Pfizer sau khi 23 người cao tuổi ở Na Uy tử vong sau khi tiêm vắc xin. Global Times cũng chỉ trích Pfizer là nhà cung cấp không đáng tin cậy, chỉ ưu tiên Mỹ mà phớt lờ nhu cầu ở các nước khác.
Trong khi đó, Thời báo Phố Wall (WSJ) dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga đang thực hiện một chiến dịch lan truyền thông tin lệch lạc về các loại vắc xin Covid-19 đang sử dụng tại Mỹ. Theo người phát ngôn này, Mỹ đã phát hiện 3 kênh xuất bản trực tuyến bị nghi ngờ do tình báo Nga chỉ đạo gồm News Front, New Eastern Outlook và Oriental Review đã thực hiện chiến dịch phát tán thông tin sai lệch nhằm hạ uy tín của các vắc xin tại Mỹ. Truyền thông Nga cũng bị cáo buộc phản ánh tiêu cực về giá thành cũng như mức độ an toàn của vắc xin Pfizer.
Cáo buộc đưa ra trong bối cảnh Mỹ và nhiều quốc gia khác đang chạy đua với thời gian để triển khai chương trình tiêm chủng 3 loại vắc xin được phát triển trong thời gian ngắn kỷ lục của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson&Johnson. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc.