1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến lược vắc xin Covid-19 gặp khó, nhiều nước EU tìm đến Nga, Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Chiến dịch vắc xin Covid-19 của Liên minh châu Âu đang vỡ vụn khi các thành viên quay sang các nước ngoài khối để thúc đẩy chương trình tiêm chủng gặp khó bởi vấn đề nguồn cung, quy trình chậm trễ.

Chiến lược vắc xin Covid-19 gặp khó, nhiều nước EU tìm đến Nga, Trung Quốc - 1
Chiến dịch vắc xin của EU gặp khó về vấn đề nguồn cung, quy trình chậm trễ. (Ảnh minh họa: BBC)

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hôm 1/2 thông báo ông có ý định làm việc với Israel và Đan Mạch về hợp tác sản xuất, phân phối vắc xin Covid-19. Ông dự kiến sẽ đến Israel cùng với lãnh đạo Đan Mạch Mette Frederiksen vào ngày 4/3. Thủ tướng Kurz chỉ trích chiến lược vắc xin của EU và Cơ quan Y tế châu Âu (EMA).

"EMA quá chậm trễ trong việc cấp phép cho các hãng dược. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần cho các biến thể tiếp theo, không nên phụ thuộc vào EU để sản xuất vắc xin thế hệ hai", Thủ tướng Kurz nói.

Bỉ cũng lựa chọn cách tiếp cận tập trung để thu mua và phân phối vắc xin nhưng kế hoạch của họ đã gặp trở ngại do vấn đề nguồn cung.

EU đã cấp phép cho vắc xin Pfizer/BioNTech hồi cuối tháng 12/2020, vài tuần sau Anh và Mỹ. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, đến nay, mới chỉ 5,5% dân số 447 triệu người của EU được tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên.

EMA cấp phép cho 3 vắc xin gồm Pfizer/BioNTech, Oxford/AstraZeneca và Moderna, nhưng các nước thành viên có thể cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vắc xin khác, giống như Anh đã làm hồi tháng 12.

Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen cũng cho rằng nỗ lực vắc xin của châu Âu không thể đi tiếp một mình được nữa và đó là lý do Đan Mạch và Áo hợp tác để có thêm nguồn cung vắc xin.

Một số nước EU khác cũng bắt đầu quay sang Nga và Trung Quốc để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thông qua các thỏa thuận mua sắm đơn phương, không qua EU. Hôm 1/3, Slovakia đã cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Sputnik V của Nga sau khi nguồn cung vắc xin Pfizer và AstraZeneca bị đình trệ. Slovakia là quốc gia EU thứ hai cấp phép cho Sputnik V sau Hungary. Hungary cũng đã cấp phép cho cả vắc xin Sinopharm của Trung Quốc. EMA đến nay vẫn chưa cấp phép cho vắc xin Sinopharm.

Chiến lược tập trung của EU bị phá vỡ trong bối cảnh có sự tiến triển về sử dụng vắc xin AstraZeneca trong khối. Vấn đề của giới lãnh đạo EU hiện giờ là làm cách nào để đưa chiến dịch tiêm chủng vắc xin của khối trở lại quỹ đạo.

"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là thúc đẩy sản xuất và phân phối vắc xin và chương trình tiêm chủng toàn khối", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuần trước cho biết.