1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các nước châu Phi lo "chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bằng vắc xin"

Thanh Thành

(Dân trí) - Khi các quốc gia giàu có bắt đầu cân nhắc tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường, người dân ở nhiều quốc gia châu Phi vẫn đang mòn mỏi chờ đợi được tiêm mũi đầu tiên.

Các nước châu Phi lo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bằng vắc xin - 1

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu qua đoạn video tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 23/9 (Ảnh: AP).

Nêu bật vấn đề trên, các nước châu Phi đã gửi đi thông điệp trong bài phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ trong ngày 23/9 giờ Mỹ: "Không ai an toàn trừ khi tất cả chúng ta đều an toàn".

Thông điệp đó đã được lặp đi lặp lại, nêu bật rõ sự bất bình đẳng trong cơ chế phân phối vắc xin Covid-19. Tính đến giữa tháng 9, chưa đến 4% người dân châu Phi được tiêm đầy đủ và hầu hết trong số 5,7 tỷ liều vắc xin trên khắp thế giới là được tiêm ở 10 quốc gia giàu có.

Tổng thống Chad, Mahamat Idriss Déby Itno, đã cảnh báo về những nguy cơ khiến các quốc gia châu Phi bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu trước Đại hội đồng, ông Itno nói: "Virus không phân biệt lục địa, biên giới, thậm chí quốc tịch hay địa vị xã hội. Các quốc gia và khu vực không được tiêm chủng sẽ là nguồn lây lan và phát triển các biến chủng mới. Về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh những lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ việc tiếp cận vắc xin cho tất cả mọi người. Sự cứu rỗi nhân loại phụ thuộc vào điều này".

Cuộc chiến chống đại dịch luôn là vấn đề trọng tâm trong các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo trong vài ngày qua. Hết nước này đến nước khác thừa nhận sự chênh lệch lớn trong việc tiếp cận vắc xin, vẽ nên một bức tranh ảm đạm đến mức đôi khi khó có thể đạt được một giải pháp cho vấn đề này.

 Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa chỉ ra rằng, vắc xin là "tấm khiên bảo vệ lớn nhất mà nhân loại có được trước sự tàn phá của đại dịch".

"Do đó, mối quan ngại lớn là cộng đồng toàn cầu đã không duy trì các nguyên tắc đoàn kết và hợp tác trong việc đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin công bằng. Lời cáo chung đối với nhân loại là khi hơn 82% liều vắc xin trên thế giới đã được các nước giàu có thu gom, trong khi chưa đến 1% được chuyển đến các nước có thu nhập thấp", nhà lãnh đạo Nam Phi nói.

Ông Ramaphosa và nhiều nhà lãnh đạo khác kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ủng hộ đề xuất tạm thời từ bỏ một số quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để cho phép nhiều quốc gia hơn, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, có thể sản xuất vắc xin Covid-19.

Bản thân Tổng thống Angola Joao Lourenco cho biết ,"rất sốc khi thấy sự chênh lệch vắc xin giữa các quốc gia giàu và nghèo". Ông Lourenco nhấn mạnh: "Sự chênh lệch này thể hiện rõ ở chỗ trong khi nhiều nước cho phép tiêm liều tăng cường thứ ba, các nước ở châu Phi, phần lớn dân số thậm chí chưa được tiêm liều đầu tiên".

Tổng thống Namibia Hage Geingob gọi đó là "nạn phân biệt chủng tộc bằng vắc xin". "Có một loại virus khủng khiếp hơn nhiều, đáng ghét hơn nhiều so với SARS-CoV-2. Đó là virus bất bình đẳng", Tổng thống của đảo quốc Seychelles ở Ấn Độ Dương, Wavel Ramkalawan, nói.

Hậu quả nghiệt ngã của Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến Tanzania khi tổng thống lúc bấy giờ là John Magufuli, người từng khẳng định có thể tiêu diệt SARS-CoV-2 bằng lời cầu nguyện, đã qua đời hồi tháng 3.

Phó tổng thống lên nắm tạm quyền, Samia Suluhu Hassan, đã thay đổi đường lối chống dịch của Tanzania nhưng vẫn còn quá nhiều thách thức.

"Chúng ta có xu hướng quên rằng, thực tế là không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn", bà nói trong bài phát biểu hôm 23/9, nhấn mạnh rằng việc các quốc gia dư thừa vắc xin Covid-19 chia sẻ với các quốc gia khác là rất quan trọng.

Các nước châu Phi lo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bằng vắc xin - 2

Tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin Coivd-19 tại các nước châu Phi hiện rất thấp (Ảnh: WHO).

Khó tiếp cận nguồn cung vắc xin không chỉ là mối quan tâm của châu Phi. Lãnh đạo của các quốc gia đang phát triển ở các khu vực khác nhau cũng nói lên nỗi thất vọng về việc này. Tổng thống Luis Arce của Bolivia, một trong những quốc gia nghèo nhất ở Mỹ Latinh, cho rằng các công ty dược phẩm sinh học nên cung cấp bằng sáng chế của họ và chia sẻ kiến thức và công nghệ để sản xuất vắc xin.

"Việc tiếp cận vắc xin nên được coi là quyền của con người. Chúng ta không thể thờ ơ", Tổng thống Arce nói. Trước đó, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nhấn mạnh, "hàng trăm triệu người ở các quốc gia có thu nhập thấp vẫn đang chờ đợi tiêm liều đầu tiên trong vô vọng".

WHO cho biết, mới có 15% số lượng vắc xin mà các nước giàu hứa tặng đã được chuyển giao.