Các nước châu Á áp dụng quy định mới cho chuyến bay đường dài
(Dân trí) - Các nước Úc, Indonesia và Malaysia sẽ đưa vào áp dụng phương pháp tầm soát mới đối với các chuyến bay đường dài nhằm hạn chế những rủi ro như từng xảy ra với máy bay MH-370 của hãng hàng không Malaysia ngày 8/3 năm ngoái.
Phương pháp mới cho phép các cơ quan không lưu liên lạc thường xuyên hơn với phi công trên những chuyến bay đường dài.
Theo đó, cứ mỗi 15 phút, trạm không lưu dưới mặt đất sẽ phải liên lạc với tổ lái trên máy bay, thay vì 30-40 phút như hiện nay.
Thời gian giữa các lần liên lạc có thể được rút xuống chỉ còn 5 phút, hay thậm chí ít hơn, nếu phát hiện máy bay bị bay trệch lộ trình.
Theo Bộ trưởng Giao thông Úc Warren Truss, đây là lần đầu tiên phương pháp này được áp dụng trong lịch sử hàng không thế giới, song có lẽ phương pháp này sẽ không có nhiều quá nhiều tác dụng nếu lại xảy ra một vụ mất tích bí ẩn tương tự như chiếc máy bay MH-370 cách đây gần một năm.
“Đó sẽ là tình huống rất khó khăn. Thử hình dung xem làm thế nào để (nhân viên không lưu) có thể điều khiển được từ ngoài khi không biết chính xác điều gì đang xảy ra trong trường hợp của MH-370”, ông Warren Truss nói.
Tuy nhiên, theo ông Truss, ít nhất phương pháp này cũng đảm bảo mặt đất giữ liên lạc thường xuyên hơn với máy bay.
Úc là một trong những nước tham gia tích cực nhất vào chiến dịch tìm kiếm MH-370 khi chiếc máy bay xấu số này đột ngột biến mất ngày 8/3 năm ngoái, mang theo số phận của 239 con người.
Giám đốc bộ phận dịch vụ hàng không của Úc, ông Angus Houston, cũng có chung quan điểm với người đứng đầu ngành ngoại giao Úc khi ông thừa nhận đây không phải là “cứu cánh” thực sự khi tai nạn xảy ra.
“Nhưng dẫu sao, đây cũng là một thay đổi quan trọng trong cách thức liên lạc (giữa mặt đất) với máy bay trong bối cảnh người ta vẫn đang tìm kiếm một phương pháp toàn diện hơn”, ông Houston nói.
Theo kế hoạch, việc áp dụng quy định mới sẽ được thử nghiệm thực hiện đầu tiên ở thành phố Brisbane của Úc, trước khi mở rộng sang Indonesia và Malaysia.