Các nước cấp tốc vào cuộc giải mã biến chủng SARS-CoV-2 "tồi tệ nhất"
(Dân trí) - Các quốc gia đang nỗ lực điều tra biến chủng mới được cho là có nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.
Theo Bloomberg, các nhà khoa học Nam Phi đang làm việc "với tốc độ nhanh như chớp" để xác định xem biến chủng virus SARS-CoV-2 mới, được gọi là B.1.1.529, có thể lây lan nhanh đến mức nào và liệu có kháng vaccine Covid-19 hay không.
Giáo sư Tulio de Oliveira, người điều hành các tổ chức giải trình tự gen và tư vấn cho chính phủ Nam Phi về đại dịch Covid-19, ngày 26/11 cho biết sẽ phải mất ít nhất 2 tuần nữa mới có kết quả nghiên cứu về biến chủng mới. Ông cho biết biến chủng này không chỉ được xem xét ở Nam Phi mà trên toàn thế giới.
"Tôi rất lo lắng", Oliveira nói về biến chủng mới.
Tiến sĩ Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết nhóm làm việc của WHO về quá trình đột biến của virus sẽ xem xét để quyết định liệu B.1.1.529 được xếp vào nhóm biến chủng đáng quan tâm hay đáng lo ngại, sau đó WHO sẽ đặt tên cho biến chủng theo bảng chữ cái Hy Lạp.
Các nhà chức trách Anh ngày 25/11 gọi B.1.1.529 là biến chủng "tồi tệ nhất". Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.529 có tới 32 đột biến trong protein gai. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.
Với 32 đột biến, B.1.1.529 được phát hiện là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2. Nhà dịch tễ học Neil Ferguson tại trường Imperial College London nói rằng B.1.1.529 có số lượng đột biến "chưa từng có" và dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm gần đây ở Nam Phi.
Biến chủng B.1.1.529 lần đầu tiên được phát hiện ở Botswana vào ngày 11/11, nơi có 3 ca nhiễm đã được giải trình tự gene. 6 ca nhiễm khác được ghi nhận ở Nam Phi và một ca nhiễm ở Hong Kong là du khách trở về từ Nam Phi.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến chủng mới là "mối lo ngại nghiêm trọng" và là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 hàng ngày tăng theo "theo cấp số nhân", biến nó trở thành "một mối đe dọa lớn".
Ngoài Nam Phi, Anh cũng đang vào cuộc điều tra biến chủng virus mới. Giám đốc điều hành Cơ quan An ninh Y tế Anh Jenny Harries cho biết "đây là biến chủng đáng lo ngại nhất mà nước này từng gặp phải cho đến nay và các cuộc nghiên cứu khẩn cấp đang được tiến hành để tìm hiểu thêm về khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và khả năng thích ứng với vaccine của nó".
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết các nhà khoa học nước này "vô cùng lo ngại về biến chủng mới". Anh thông báo tạm thời cấm các chuyến bay từ một số nước châu Phi, gồm Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini, từ ngày 26/11 và những công dân Anh trở về từ những quốc gia này sẽ phải cách ly.
Theo Reuters, Australia ngày 26/11 cho biết nước này đang điều tra về biến chủng Covid-19 mới, đồng thời cảnh báo có thể đóng cửa biên giới đối với du khách từ Nam Phi nếu rủi ro từ chủng virus mới gia tăng.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết ông sẽ nhanh chóng có động thái phản ứng nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại B.1.1.529 là biến chủng mới đáng chú ý.
"Chúng tôi rất linh hoạt, như chúng tôi vẫn thường làm như vậy. Nếu khuyến cáo y tế cho rằng chúng tôi cần thay đổi, chúng tôi sẽ không do dự làm điều đó", ông Hunt nói với các phóng viên ở Sydney.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết chưa coi B.1.1.529 là biến chủng "đáng lo ngại", tuy nhiên điều này có thể thay đổi và Australia vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình. Ông Morrison cho biết biến chủng này vẫn đang được điều tra.
Đầu tháng này, Australia lần đầu tiên nới lỏng các biện pháp đóng cửa biên giới trong thời kỳ đại dịch, nhằm cho phép công dân đã tiêm chủng đầy đủ về nước mà không cần cách ly. Động thái này được thực hiện sau khi Australia đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.
Theo AFP, Bộ Y tế Singapore ngày 26/11 cho biết, nước này sẽ hạn chế nhập cảnh đối với những du khách có lịch trình đi lại gần đây đến 7 quốc gia châu Phi sau khi có thông tin về biến chủng mới.
Từ 23h59 tối 27/11, tất cả hành khách từng đi đến Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe trong 14 ngày qua sẽ không được phép nhập cảnh Singapore hoặc quá cảnh tại đây. Quy định hạn chế này cũng áp dụng cho những người đã được chấp thuận từ trước để nhập cảnh vào Singapore.
Công dân Singapore và thường trú nhân nước này nếu trở về từ 7 quốc gia châu Phi trên sẽ phải cách ly 7 ngày. Singapore hiện chưa ghi nhận ca mắc biến chủng mới từ Nam Phi.
"Các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tìm hiểu thêm về biến chủng mới của virus, như liệu nó có khả năng lây nhiễm cao hơn biến chủng Delta hay không, liệu nó có nhiều khả năng dẫn đến các ca bệnh nghiêm trọng hay không và hiệu quả của vaccine hiện có chống lại biến chủng mới này như thế nào", Bộ Y tế Singapore cho biết.
Theo Guardian, New Zealand cũng đang theo dõi chặt chẽ các khuyến cáo toàn cầu về biến chủng mới. Phó Thủ tướng New Zealand Grant Robertson cho biết, biến chủng mới là "một lời cảnh tỉnh thực sự cho tất cả chúng ta, rằng đại dịch này vẫn đang tiếp diễn", đồng thời nhắc lại sự cần thiết của việc tiếp tục thận trọng trước đại dịch.
Scotland xác nhận vào cuối ngày 25/11 rằng, tất cả những người từ Nam Phi, Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe sẽ được yêu cầu tự cách ly và thực hiện xét nghiệm PCR 2 lần từ trưa ngày 26/11, còn bất kỳ ai đến sau 4 giờ sáng ngày 27/11 sẽ phải cách ly ở một khách sạn có quản lý.
Các quan chức y tế Ấn Độ ngày 26/11 đã đặt các bang trong tình trạng báo động, yêu cầu họ thực hiện "sàng lọc và xét nghiệm nghiêm ngặt" đối với những du khách từ Nam Phi, Botswana và Hong Kong, đồng thời theo dõi và xét nghiệm những người tiếp xúc với họ.
"Biến chủng này được báo cáo là có số lượng đột biến cao đáng kể, do vậy, có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng tại Ấn Độ trong bối cảnh các hạn chế thị thực được nới lỏng gần đây và mở cửa du lịch quốc tế", Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Rajesh Bhushan cho biết trong một bức thư gửi các bang vào tối muộn ngày 25/11.
Chính phủ Israel ngày 25/11 thông báo cấm công dân tới các quốc gia miền nam châu Phi và cấm người từ khu vực này nhập cảnh vào Israel do lo ngại biến chủng B.1.1.529. Các quốc gia nằm trong danh sách cấm gồm Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini, Mozambique.