1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các điệp viên KGB nổi tiếng nhất bây giờ ra sao? (1)

(Dân trí) - Kể từ những năm 1950, các điệp viên của Cơ quan an ninh Liên Xô (KGB) đã mang lại nguồn tư liệu vô tận cho các cuốn truyện tranh, phim ảnh và các cuốn tiểu thuyết ly kỳ.

 
Sức lôi cuốn của các điệp viên KGB thậm chí vẫn còn tiếp tục cho tới ngày nay. Vào năm 2011, kênh truyền hình FX của Mỹ đã công chiếu một loạt phim về các điệp viên KGB từng sống tại Washington, D.C, vào những năm 1980.

Quan chức CIA về hưu Milton Bearden mới đây đã nhắc tới người đồng nghiệp Liên Xô Leonid Shebarshin, người qua đời trong một vụ tự sát hồi tháng 3/2012. Cựu giám đốc bộ phận tình báo đối ngoại của KGB, người từng giữ vai trò giám đốc KGB chỉ trong một ngày sau lãnh đạo của ông âm mưu một cuộc đảo chính vào năm 1991, vẫn trung thành với cơ quan cũ trong suốt cuộc đời và sống những ngày hậu KGB tại Mátxcơva.

Tuy nhiên, không phải tất cả các điệp viên KGB đều như vậy. Qua thời gian, cuộc sống của vài điệp viên thời Xô Viết đã được hé mở khi họ rời bỏ KGB và sang sinh sống tại Anh hay Mỹ. Một số người còn mang theo các thông tin mật để chia sẻ.

Dưới đây là một số cựu điệp viên nổi tiếng nhất của KGB và cuộc sống của họ khi còn công tác và sau khi về hưu tại một trong những cơ quan tình báo nổi tiếng nhất thế giới.

Vladimir Putin
 
Các điệp viên KGB nổi tiếng nhất bây giờ ra sao? (1)

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng là một điệp viên KGB trong 15 năm trước khi tham gia chính trường và giữ vị trí quan trọng nhất của đất nước.

Sau khi học ngành luật tại Đại học quốc gia Leningrad, ông Putin đã gia nhập KGB và theo dõi những người nước ngoài tại St. Petersburg. Vào đầu những năm 1980, ông đã chuyển tới cơ quan tình báo đối ngoại của KGB tại Đông Đức, nơi công việc của ông là xác định những người Đông Đức - các giáo sư, nhà báo và các chuyên gia - những người có lý do hợp lý để tới Tây Âu và Mỹ và cử họ tới đó để khai thác các thông tin tình báo và công nghệ từ các quốc gia phương Tây.

Trong một bình luận hiếm có với một nhà báo về quãng thời gian 15 năm hoạt động trong KGB, ông Putin cho biết ông không muốn nhận các vị trí cấp cao trong cơ quan tình báo này vì không muốn di chuyển bố mẹ già cả và những đứa con còn nhỏ tuổi tới Mátxcơva.

Ông Putin trở về Nga vào cuối những năm 1980 và làm trợ lý tại một ngôi trường đại học trong 1 năm, mà thực chất là một công việc bí mật cho KGB. Ông thôi làm điệp viên khi trở thành cố vấn cho thị trưởng St. Petersburg.

Năm 1998, ông Putin được bổ nhiệm làm giám đốc FSB, cơ quan kế nhiệm nội địa của KGB, và sau đó đứng đầu Hội đồng an ninh Nga. Một năm sau đó, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã chọn Putin làm thủ tướng mới. Và cựu điệp viên KGB giờ đây là người đàn ông quyền lực nhất nước Nga.

Một nhà văn Nga từng nói với tờ Washington Post hồi năm 2000 rằng Putin là một điệp viên KGB kiểu mẫu. “Nếu tuyết rơi, họ sẽ bình tĩnh nói với bạn rằng mặt trời sẽ mọc”.

Alexander Litvinenko
 
Các điệp viên KGB nổi tiếng nhất bây giờ ra sao? (1)

Litvinenko gia nhập KGB vào năm 1988 và hoạt động với tư cách là gián điệp chống tình báo cho tới khi Liên Xô tan rã. Sau đó, ông tham gia bộ phận bí mật nhất của KGB, chiến đấu với khủng bố và tội phạm có tổ chức tại Chechnya.

Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào năm 1998 sau khi Litvinenko công khai cáo buộc một quan chức FSB yêu cầu ông ám sát Boris Berezovsky, một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất nước Nga.

Litvinenko sau đó bị bắt vì “vượt quá quyền hạn trong công việc”. Sau 2 lần bị buộc tội và được tha, Litvinenko đã trốn sang London để thoát khỏi một vụ án hình sự thứ 3 và sau đó bị xét xử vắng mặt.

Từ London, Litvinenko đã xuất bản 2 cuốn sách “kể tội” FSB.

Vào tháng 11/2006, Litvinenko chết ở tuổi 43 vì một căn bệnh bí ẩn. Cuộc điều tra nhằm vào cái chết của cựu điệp viên cho thấy ông này bị đầu độc bởi chất phóng xạ.

Boris Karpichkov
 
Các điệp viên KGB nổi tiếng nhất bây giờ ra sao? (1)

Karpichkov, một điệp viên KGB khác cũng bất đồng với điện Kremlin, đã trở thành điệp viên 2 mang và hiện vẫn đang sống tại London, nơi ông sống khá kín tiếng và luôn phải thận trọng dù nghỉ hưu đã lâu.

Karpichkov, sinh tại Latvia, được KGB tuyển dụng vào năm 1984 khi đang làm kỹ sư thợ máy trong một nhà máy các thiết bị vũ trụ hàng không. KGB đã cử ông tới một học viện KGB tại Minsk, Belarus, nơi ông được đào tạo bài bản, theo một cuộc phỏng vấn của ông tháng 2/2012. Karpichkov được phong hàm thiếu tá và làm việc tại Latvia trong bộ phận chống tình báo tinh nhuệ của KGB.

Tuy nhiên, khi Liên Xô sụp đổ, Karpichkov nhận thấy rằng Cộng hoà Latvia bất đồng với Kremlin. Ông nhanh chóng gia nhập cơ quan tình báo của Latvia nhưng vẫn làm việc cho Nga. Là một điệp viên 2 mang, Karpichkov đã thực hiện các chiến dịch tin chống lại CIA, trong một vụ việc, còn đột nhập vào đại sứ quán Anh tại Riga để cài một thiết bị nghe trộm.

Nhưng đến năm 1995, Karpichkov đã hết hứng thú với FSB, khẳng định rằng ông không được trả lương. Sau khi cơ quan tình báo Latvia phát hiện ra ông đang làm việc cho FSB, ông đã trở lại Nga một thời gian ngắn trước khi trốn khỏi nước này vào năm 1990. Ông vào Anh bằng hộ chiếu giả từ những ngày còn hoạt động trong KGB và không bao giờ quay trở lại.

Những ngày này, Karpichkov tham gia viết lách, theo dõi các sự kiện tại Nga, rồi thỉnh thoảng biến mất và lại thực hiện các chuyến đi bí ẩn mà ông từ chối giải thích. Một dịp, ông Karpichkov cho hay ông tìm thấy các thiết bị nghe lén và các ô tô mang hộ chiếu ngoại giao Nga xuất hiện bên ngoài căn hộ của ông và thậm chí những lời doạ giết. Ông lo ngại về sự an toàn của vợ và các con ông, dù con cái ông giờ đây đều đã trưởng thành.

(Còn tiếp)

An Bình
Theo Foreign Policy