1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các cường quốc chạy đua chế tạo ngư lôi chống ngư lôi

Tên lửa phòng không chống tên lửa không còn là điều gì mới mẻ. Nhưng chế tạo ngư lôi chống ngư lôi là ý tưởng vẫn trong giai đoạn phát triển và cuộc đua giữa các cường quốc ngày càng gấp rút.

 

Các cường quốc chạy đua chế tạo ngư lôi chống ngư lôi - 1

Hình ảnh thử nghiệm ngư lôi SeaSpider

Defense News thông tin hải quân nhiều quốc gia đã đổ công đầu tư nghiên cứu ý tưởng ngư lôi chống ngư lôi và đã đạt được một số thành công bước đầu, mở ra khả năng áp dụng công nghệ tên lửa phòng thủ vào việc tác chiến trong lòng biển.

Nếu ý tưởng này có khả năng áp dụng vào thực tế, mối nguy bị các tàu ngầm đối phương tấn công của các tàu mặt nước có thể được ngăn chặn đáng kể và việc này sẽ dẫn đến sự thay đổi xu hướng phát triển năng lực hải quân trên toàn cầu.

Gần đây, hải quân Đức đã thử nghiệm ngư lôi đánh chặn SeaSpider do chi nhánh của công ty Hệ thống hàng hải ThyssenKrupp là Atlas Elektronik chế tạo.

Mới đây, công ty này tiết lộ rằng họ và hải quân Đức đã lắp đặt một hệ thống này lên một tàu chiến đa dụng và thử nghiệm thành công hồi tháng 12/2017 ngoài khơi biển Baltic.

Công ty Atlas nói họ vừa được chính phủ cho phép công khai về sự kiện này. “Các cảm biến cùng hệ thống phòng thủ ngư lôi, thiết bị phát hiện, phân loại cùng ngư lôi chống ngư lôi SeaSpider đã được thử nghiệm thành công trên một tàu mặt nước”, công ty Atlas nói trong một thông cáo hồi đầu tháng 4.

Hình ảnh về một hệ thống phòng thủ tên lửa dưới nước có thể giúp công chúng cảm thấy ý tưởng được hiện thực hóa, nhưng theo các định luật vật lý, phát triển một ngư lôi theo kiểu tên lửa đánh chặn trong môi trường nước là vô cùng khó khăn. Điều đáng kể nhất là sự thiếu vắng các thiết bị tìm kiếm radar đã loại bỏ khả năng dẫn hướng bằng máy tính theo thời gian thực, điều cần thiết để một hỏa tiễn có thể được dẫn bắn đánh trúng một hỏa tiễn khác.

Tuy nhiên, một số chính phủ vẫn tin việc này có thể thực hiện được. Ví dụ như hải quân Nga: họ đã đưa vào biên chế Paket-E/NK, một ngư lôi lưỡng dụng có thể vừa dùng để chống tàu ngầm, vừa dùng để đánh chặn ngư lôi của đối phương bắn tới. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhà thầu quốc phòng Aselsan đã thử nghiệm thành công ngư lôi đánh  chặn trong một dự án được Hội đồng  Nghiên cứu công nghệ và khoa học Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ, theo tin của tờ Hurriyet cuối năm ngoái.

 

Trong khi đó, ở Mỹ, một dự án tương tự có vẻ đã gặp thất bại. Theo báo cáo thử nghiệm vũ khí 2018  của Bộ Quốc phòng Mỹ, quý ba năm ngoái, Hải quân Mỹ đã phải đình chỉ hoạt động của hệ thống phòng thủ ngư lôi tàu mặt nước (SSTD) vốn đã được lắp đặt lên một số tàu sân bay.

 

Những nhà thử nghiệm vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng các hợp phần, bao gồm một hệ thống cảnh báo ngư lôi và một hệ thống đánh chặn ngư lôi, đã tỏ ra không đảm bảo chất lượng. Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch gỡ bỏ các thiết bị này khỏi các tàu sân bay khi các tàu tới giai đoạn tạm nghỉ bảo dưỡng (2019-2023), theo báo cáo thử nghiệm của Lầu Năm Góc.

Một trong những vấn đề chủ chốt khi phát triển một hệ thống ngư lôi đánh chặn ngư lôi nằm ở khâu giảm tỷ lệ báo động sai trong việc xác định một vật theẻ có phải là ngư lôi kẻ thù hay không.

Các kỹ sư của công ty Atlas Elektronik tin rằng hệ thống ngư lôi SeaSpider của họ có thể vượt qua trở ngại này bằng cách kết hợp các tín hiệu từ cảm biến trên tàu mẹ với các tín hiệu do cảm biến trên ngư lôi. “Và đó hiện vẫn là thách thức chính”, trưởng dự án SeaSpider Thorsten Bochentin nói với Defense News.

Theo Anh Minh

Tiền phong