1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ca tử vong tăng gần gấp 3, Peru thành vùng dịch chết chóc nhất thế giới

Đức Hoàng

(Dân trí) - Peru thống kê lại dữ liệu khiến số người chết vì Covid-19 tăng lên gần gấp 3, biến quốc gia Nam Mỹ vùng dịch có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới.

Ca tử vong tăng gần gấp 3, Peru thành vùng dịch chết chóc nhất thế giới - 1

Phu đào huyệt làm việc tại một nghĩa trang ở Peru (Ảnh: AP).

AFP đưa tin, Peru ngày 31/5 đã điều chỉnh lại số liệu chính thức về ca tử vong Covid-19. Theo đó, nước này ghi nhận con số tử vong mới là 180.764, tăng mạnh so với con số 69.342 trước đó, biến Peru trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới.

Peru điều chỉnh số liệu sau theo sự tư vấn của một nhóm chuyên gia về y tế sau khi nhóm này phát hiện giới chức đã đếm thiếu số người chết vì dịch.

Quốc gia Nam Mỹ hiện có trung bình 5.484 ca tử vong trên 1 triệu người, cao hơn bất cứ quốc gia nào. Trước khi số liệu được điều chỉnh, tỷ lệ trên ở đất nước 33 triệu dân là 2.103 ca tử vong trên 1 triệu người, xếp thứ 13 thế giới, theo thống kê của AFP. Hungary hiện ở vị trí thứ 2, với khoảng hơn 3.077 ca tử vong trên 1 triệu người.

Peru hiện ghi nhận 1,9 triệu ca Covid-19 và trong những tháng qua, hệ thống y tế nước này đã căng mình chống lại bệnh dịch vì thiếu thốn vật tư y tế, ôxy, giường bệnh.

Thủ tướng Peru Violeta Bermudez cho biết, việc chỉnh dữ liệu là kết quả sau khi nước này rà soát lại và thay đổi tiêu chí xác định ca tử vong do Covid-19. Trước đây, Peru chỉ ghi nhận những người chết có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nhưng giờ đây, họ đã mở rộng tiêu chí ra là những ca nghi nhiễm có yếu tố dịch tễ liên quan tới ca bệnh đã được xác nhận trước đó.

Hội đồng chuyên gia được Peru lập ra vào tháng 4, gồm các nhà nghiên cứu trong nước, cũng như từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

"Nhờ có đội ngũ này, chúng tôi có những số liệu đầy đủ hơn và hữu ích để theo dõi đại dịch và thực hiện các biện pháp thích hợp để đối phó", bà Bermudez nói.

Peru bắt đầu chương trình tiêm chủng từ ngày 9/2, nhưng tốc độ khá chậm chạp và tới nay mới chỉ 5% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi.