1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cả thế giới hướng về bầu cử tổng thống Mỹ

(Dân trí) - Khi Sri Murtiningsi hỏi các học sinh lớp 3 của cô rằng chúng muốn làm gì khi lớn lên, hầu hết các em đều trả lời muốn làm bác sĩ hay phi công. Nhưng một cậu bé trong lớp giơ tay: Barack Obama nói giấc mơ của cậu là trở thành Tổng thống Mỹ.

40 năm sau, Murtiningsi - cũng giống như cả thế giới - đang hướng về nước Mỹ và theo dõi cuộc bầu cử tổng thống vào thứ 3 này.

 

“Barry (tên của Barack Obama khi nhỏ) là cậu bé duy nhất nói muốn trở thành tổng thống… Tôi hi vọng giấc mơ của cậu sẽ trở thành hiện thực”, Murtiningsi nói về Obama, người từng sống 4 năm tại Indonesia khi còn nhỏ.

 

Nhiều người tin rằng trải nghiệm thế giới của Obama có thể giúp hàn gắn tổn thất do cuộc chiến của Mỹ tại Iraq gây ra. Các cuộc thăm dò dư luận tại hơn 70 nước trên thế giới cho thấy, cứ 3 người ủng hộ Obama thì mới có 1 người ủng hộ đối thủ đảng Cộng hoà John McCain.

 

Hôm nay, các tờ báo trên toàn cầu đã đồng loạt tuyên bố ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ.

 

“Obama là hi vọng tốt nhất cho sự hồi sinh của Mỹ”, một bài báo trên tờ Australian Financial Review viết. Gulf News, tờ báo bằng tiếng Anh tại Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, cũng có cùng quan điểm như vậy và nói thêm rằng chỉ Obama mới có thể “sửa chữa những thiệt hại to lớn đối với hình ảnh của nước Mỹ mà chính quyền Bush gây ra”, đặc biệt tại Trung Đông. Obama xứng đáng giành chiến thắng, tờ Irish Times viết.

 

Nhưng tại Israel, nơi McCain được yêu thích hơn, nhật báo Maariv đưa tin, các quan chức đang lo ngại về khả năng Obama đắc cử, vì Thượng nghị sĩ vốn tuyên bố ủng hộ các cuộc đàm phán ngoại giao với Iran. Israel tin rằng cộng đồng quốc tế không ủng hộ tổng thống Iran, người đã nhiều lần kêu gọi huỷ diệt Israel.

 

“Obama không hiểu biết về cơ cấu hoạt động tại Trung Đông. Ông ấy nghĩ rằng bằng việc tỏ ra thân thiện với Iran, họ sẽ ngừng phát triển bom hạt nhân và ngừng đe doạ chúng ta. Ông ấy không hiểu rằng việc trở nên thân thiện không có ý nghĩa gì tại khu vực này”, Ariel Hajaj, 36 tuổi, một nhà thầu Jerusalem phát biểu. “McCain hiểu mọi việc ở đây tốt hơn, các tiếp cận của ông ấy cũng  phù hợp hơn với Trung Đông và ông ấy có lợi hơn cho Irsael”.

 

Tấm vé ứng cử tổng thống của Obama đã tạo nên sự hào hứng tại Kenya, quê hương của cha Obama. Hàng nghìn người đã chào đón ông trong chuyến thăm gần đây nhất tới quốc gia châu Phi năm 2006.

 

“Mọi người rất hạnh phúc, hào hứng và mong chờ ngày ăn mừng chiến thắng”, Malik Obama, người anh em cùng cha khác mẹ của Thượng nghị sĩ Illinois nói.

 

Tại thị trấn ven biển bình yên của Nhật Bản có tên là Obama - tiếng địa phương có nghĩa là “bãi biển nhỏ”, hình ảnh của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ xuất hiện tràn ngập trên con phố mua bán chính. Công việc chuẩn bị cho bữa tiệc ngày chiến thắng đã sẵn sàng ngay từ hôm nay, một ngày trước cuộc bầu cử.

 

Koichi Inoue, người làm bánh đậu ngọt truyền thống, cho hay công ty của ông đang hoạt động gấp đôi công suất vì ông trót hứa phát bánh miễn phí cho khách hàng nếu Obama đắc cử. “Theo các cuộc thăm dò dư luận, Obama nhiều khả năng sẽ thắng, vì thế tôi phải sẵn sàng”, Inoue nói.

 

Cơn sốt bầu cử Mỹ cũng lên cao ở Việt Nam, nơi McCain từng bị bắt làm tù binh chiến tranh trong hơn 5 năm sau khi máy bay của ông bị bắn rơi tại Hà Nội năm 1967.

 

“Nhà văn doanh nhân” Le Lan Anh ca ngợi McCain là “người đàn ông vĩ đại” vì đã từ chối đặc ân thả sớm so với các tù nhân Mỹ khác. Trong những năm 1990, trên cương vị là Thượng nghị sĩ, ông McCain đã giúp bình thường hoá quan hệ giữa 2 nước, vì thế “ông ấy là người hiểu Việt Nam”, cựu binh Phan Manh Tien, 54 tuổi, nói. Nhưng dù sao, ông Tien vẫn thích Obama hơn vì ông ấy bớt “diều hâu” hơn.

 

Nhiều người tại Pakistan, một đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, sẽ dán mắt vào tivi trong ngày bầu cử. Họ cho rằng, kết quả bầu cử sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước của họ và quốc gia láng giềng Afghanistan, nơi quân đội Mỹ đang chiến đấu chống lại Taliban và các đồng minh Al-Qaida.

 

“8 năm qua đã ảnh hưởng tới nền kinh tế và hoà bình của chúng tôi”, luật sư 33 tuổi Mohammad Zubair tại Lahore nói. “Tôi hi vọng cuộc bầu cử cũng sẽ mang lại sự thay đổi cho Pakistan”.

 

An Bình
Theo AP