1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ca Covid-19 toàn cầu vượt 200 triệu, thế giới căng mình đối phó biến chủng

Minh Phương

(Dân trí) - Sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến số ca nhiễm và số ca nhập viện vì Covid-19 gia tăng đang làm phức tạp thêm cuộc chiến ứng phó đại dịch toàn cầu.

Ca Covid-19 toàn cầu vượt 200 triệu, thế giới căng mình đối phó biến chủng - 1

Thế giới đã ghi nhận hơn 200 triệu ca Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Theo số liệu của trang web Worldometers, tính đến ngày 3/8, số ca Covid-19 toàn cầu đã lên đến khoảng 200,2 triệu người, tương đương 2,5% dân số thế giới. Số người mắc Covid-19 toàn cầu mất một năm để vượt mốc 100 triệu ca hôm 25/1, nhưng đã tăng gấp đôi lên hơn 200 triệu ca chỉ trong vòng nửa năm.

Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với hơn 36 triệu ca, tiếp đến là Ấn Độ với 31 triệu ca, Brazil gần 20 triệu ca.

Tính đến ngày 3/8, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 4,2 triệu ca tử vong vì Covid-19. Trong đó, Mỹ ghi nhận hơn 630.000 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với hơn 558.000 ca.

Sự xuất hiện của biến chủng Delta đang làm phức tạp thêm cuộc chiến ứng phó đại dịch toàn cầu. Delta xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ và được cho là dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng khác của virus SARS-CoV-2. Một số nghiên cứu chỉ ra, Delta có thể gây bệnh nặng hơn, tăng tỷ lệ nhập viện ở người nhiễm bệnh.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cho biết, thế giới đã bước vào giai đoạn đầu của làn sóng Covid-19 thứ 3 đồng thời cảnh báo virus đang tiếp tục biến đổi và có thể tạo ra các biến chủng dễ lây lan hơn, nguy hiểm hơn. Theo WHO, biến chủng Delta hiện đã lây lan ra ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự xuất hiện của biến chủng này cùng với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế là nguyên nhân kéo theo đợt bùng phát dịch nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới.

Để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch, WHO đã lập ra sáng kiến chia sẻ vắc xin nhằm chia sẻ vắc xin cho các quốc gia, đặc biệt những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo đó, các nước giàu sẽ tài trợ hoặc chia sẻ vắc xin cho những nước khác thông qua sáng kiến COVAX. Đến nay, COVAX đã chia sẻ khoảng 180 triệu liều vắc xin cho các quốc gia, vùng lãnh thổ, một con số còn tương đối thấp so với mục tiêu 2 tỷ liều trong năm nay.

Ông Tedros cho biết, sự chênh lệch nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 giữa các nước giàu có với các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn ở mức đáng báo động. Khoảng 75% tổng số liều vắc xin, tương đương hơn 3,5 tỷ liều, đã được tiêm ở 10 quốc gia, trong khi chỉ 1% người dân ở các nước nghèo hơn được tiêm ít nhất một mũi vắc xin.

Ông cho rằng, thế giới chỉ có thể đẩy lùi đại dịch khi chia sẻ vắc xin. "Vắc xin là công cụ mạnh mẽ và thiết yếu, nhưng thế giới đã không sử dụng chúng hiệu quả. Đại dịch sẽ kết thúc khi thế giới chọn cách kết thúc nó. Điều này nằm trong tầm tay chúng ta. Chúng ta có tất cả các công cụ cần thiết, chúng ta có thể ngăn ngừa dịch bệnh này", ông nói. WHO đang kêu gọi nỗ lực toàn cầu để tất cả các quốc gia trên thế giới có thể tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số vào giữa năm sau.