1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

WHO: Thế giới đã bước vào làn sóng lây nhiễm và chết chóc mới

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới đã bước vào giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 mới.

WHO: Thế giới đã bước vào làn sóng lây nhiễm và chết chóc mới - 1

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters).

Phát biểu tại cuộc họp với các thành viên Ủy ban Olympics Quốc tế ở Tokyo ngày 21/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "19 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát và khoảng 7 tháng kể từ khi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt, chúng ta đang bước vào giai đoạn đầu của một làn sóng lây nhiễm và chết chóc mới".

Trước đó, người đứng đầu WHO nhiều lần cảnh báo, thế giới đã bước vào làn sóng Covid-19 mới và nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của biến chủng Delta. Delta là biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Đây là một trong 4 biến chủng mà WHO xếp vào nhóm "đáng lo ngại" do dễ lây lan hơn và làm tăng nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân Covid-19, giảm hiệu quả của vắc xin. Theo thống kê của WHO, Delta hiện đã lan ra ít nhất 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và sẽ tiếp tục là biến chủng trội toàn cầu trong vài tháng tới.

"Đến nay, hơn 4 triệu người đã chết vì Covid-19, đại dịch sẽ còn lấy đi sinh mạng của nhiều người nữa. Số ca tử vong từ đầu năm đến nay đã gấp hơn 2 lần so với cả năm ngoái. Lúc này đây khi tôi đưa ra những phát biểu, thế giới có thêm hơn 100 người chết vì Covid-19. Đến khi tắt ngọn đuốc Olympics vào ngày 8/8 tới, hơn 100.000 người nữa sẽ chết", ông Tedros nói.

Tại cuộc họp, ông Tedros bày tỏ quan ngại về tình trạng "bất công khủng khiếp" trong việc phân phối nguồn cung vắc xin Covid-19 toàn cầu. Ông cho biết, khoảng 75% vắc xin trên thế giới tập trung vào khoảng 10 quốc gia, và mới chỉ 1% người dân ở các nước thu nhập thấp, trung bình được tiêm chủng ít nhất một liều, trong khi tỷ lệ này ở các nước giàu có là hơn 50%.

Theo ông, thất bại trong việc chia sẻ vắc xin toàn cầu cũng như trong việc xét nghiệm và điều trị Covid-19 đã tạo ra hai bức tranh đại dịch khác nhau. Theo đó, những nước có đủ nguồn lực như vắc xin đang dần mở cửa trở lại, trong khi nhiều nước khác phải phong tỏa để ngăn đà lây lan của dịch.

"Đại dịch là một phép thử và thế giới đang thất bại", ông Tedros nói khi nhấn mạnh đến tình trạng mất cân bằng về nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 trên thế giới. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: "Đại dịch sẽ chấm dứt khi thế giới lựa chọn chấm dứt nó. Điều này nằm trong tầm tay của chúng ta... Chúng ta có tất cả công cụ mà chúng ta cần: Chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch này. Vắc xin là một công cụ hiệu quả và cần thiết, nhưng thế giới đã không sử dụng nó một cách hiệu quả".

Nhà lãnh đạo WHO kêu gọi các nước tăng cường chia sẻ nguồn cung vắc xin để tất cả các nước có thể đạt mục tiêu ít nhất 70% dân số được tiêm chủng vào giữa năm sau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm