1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chủng Delta lây lan mạnh, giới khoa học đau đầu giải mã

Minh Phương

(Dân trí) - Giới khoa học đang thu thập bằng chứng chứng minh biến chủng Delta có thể gây bệnh nặng hơn chủ yếu ở những người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong bối cảnh biến chủng này càn quét khắp thế giới.

Chủng Delta lây lan mạnh, giới khoa học đau đầu giải mã - 1

Các nhà khoa học tin rằng, Delta có thể gây bệnh nặng hơn ở bệnh nhân Covid-19 (Ảnh minh họa: Reuters).

Delta có thể gây bệnh nặng hơn

New York Times tuần trước dẫn một báo cáo nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo, biến chủng Delta "dường như gây bệnh nặng hơn" so với các chủng trước đó của virus SARS-CoV-2.

Báo cáo dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore, Canada và Scotland cho thấy, người nhiễm biến chủng Delta có nguy cơ nhập viện cao hơn so với các bệnh nhân ở giai đoạn đầu đại dịch.

Trả lời phỏng vấn Reuters, các chuyên gia dịch tễ cho biết, 3 nghiên cứu trên cho thấy Delta gây nguy cơ lớn hơn cho người bệnh, nhưng đối tượng nghiên cứu còn hạn chế và chưa có bình duyệt từ các chuyên gia khác.

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Delta cho hay, các bệnh nhân này xuất hiện các triệu chứng Covid-19 nhanh hơn và ở nhiều khu vực, nhìn chung các trường hợp bệnh nghiêm trọng đã gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh vẫn cần nghiên cứu thêm để so sánh kết quả mới có thể đưa ra kết luận chắc chắn liệu Delta có gây bệnh nặng hơn so với các chủng khác hay không. "Rất khó để xác định mức độ gia tăng về độ nghiêm trọng của bệnh", Lawrence Young, chuyên gia virus tại Trường Y Warwick của Anh, nói.

Theo các chuyên gia, sự lây lan mạnh của Delta cũng khiến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện khi bệnh tình đã nặng cao hơn.

Shane Crotty, một chuyên gia virus tại Viện Dịch tễ La Jolla ở San Diego (Mỹ), nói dấu hiệu rõ nhất cho thấy Delta có thể gây bệnh nặng hơn là nghiên cứu ở Scotland. Nghiên cứu này chỉ ra, Delta làm tăng gấp đôi tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân Covid-19 so với trước kia.

Đa số trường hợp nhập viện và tử vong do Covid-19 ở Mỹ xảy ra ở người chưa tiêm vắc xin. Mặt khác, cũng có bằng chứng cho thấy vắc xin kém hiệu quả hơn ở người suy giảm miễn dịch, trong đó có người cao tuổi.

Với những người đã tiêm chủng, mặc dù vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng các triệu chứng sẽ nhẹ hơn hoặc không có triệu chứng, ông Gregory Poland, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ, cho biết. "Chúng ta phải tiêm phòng, phải đeo khẩu trang nếu không muốn hứng chịu thêm các đợt bùng phát khác và sau đó là nguy cơ xuất hiện các biến chủng nguy hiểm hơn", ông Poland nói.

Nguy cơ xuất hiện một siêu biến chủng

Chủng Delta lây lan mạnh, giới khoa học đau đầu giải mã - 2

Biến chủng Delta phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và hiện đã lan ra ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ (Ảnh minh họa: Getty).

Trong một tài liệu đăng tải ngày 30/7, Nhóm Cố vấn Khoa học Khẩn cấp (SAGE) của chính phủ Anh cho biết, họ tin rằng, "gần như chắc chắn" sẽ xuất hiện một biến chủng của SARS-CoV-2 có thể kháng các vắc xin hiện nay. Kịch bản này có thể xảy ra nếu có sự kết hợp giữa đặc điểm kháng vắc xin của biến chủng Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi) với đặc điểm dễ lây lan hơn của biến chủng Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh) hoặc biến chủng Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ).

Ngoài ra, họ cũng cảnh báo nguy cơ biến chủng trong tương lai có thể gây tỷ lệ tử vong như MERS, khiến khoảng 35% người bệnh tử vong.

Đây mới chỉ là nghiên cứu ban đầu mang tính lý thuyết, chưa có bằng chứng nào cho thấy một biến chủng như vậy đang hoặc sắp xuất hiện. Các nhà khoa học Anh cho rằng, về cơ bản, virus sẽ liên tục đột biến nhưng theo hướng ít nguy hiểm hơn.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học khuyến cáo cần tiếp tục nỗ lực để ngăn chặn dịch lây lan nhiều nhất có thể nhằm giảm nguy cơ xuất hiện biến chủng mới kháng vắc xin.

Họ cho rằng các nghiên cứu nên tập trung phát triển các vắc xin mới không chỉ có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm bệnh và mắc bệnh nặng, mà còn tập trung vào tăng mức độ và thời gian miễn dịch. Theo CNN, các nghiên cứu này đang được tiến hành ở một số hãng dược nhằm tạo ra các vắc xin có thể đối phó với các biến chủng mới của SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học của Anh cũng khuyến cáo, để ngăn virus đột biến, cần tiêm vắc xin liều tăng cường vào mùa đông, giảm thiểu biến chủng xâm nhập từ nước ngoài và cân nhắc tiêu hủy một số động vật có thể mang virus.

Hiện nay, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tất cả 4 biến chủng của SARS-CoV-2 xếp vào nhóm "đáng lo ngại". Trong số đó, Delta đã lan ra ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành biến chủng trội toàn cầu.

"Đây giống như thể cháy rừng, không còn là ngọn lửa cháy âm ỉ. Nó đang bùng lên dữ dội", Tiến sĩ Michelle Barron, giám đốc y tế cấp cao về phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Đại học UCHealth của Colorado, ví von làn sóng Covid-19 do Delta gây ra. 

Một nghiên cứu từ Trung Quốc nói rằng, Delta sinh sôi nhanh hơn nhiều và tạo ra lượng virus trong cơ thể gấp 1.000 lần chủng gốc. Trong khi đó, theo báo cáo nội bộ của CDC Mỹ , Delta dễ lây lan hơn các virus gây dịch SARS, MERS, Ebola và các bệnh cúm theo mùa khác. Nó dễ lây lan như thủy đậu và một người nhiễm Delta có thể lây bệnh cho trung bình 8-9 người. Tài liệu cũng chỉ ra, kể cả những người đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin vẫn có thể làm lây lan Delta với mức độ tương đương những người chưa tiêm chủng, nhưng điểm khác biệt là người đã tiêm vắc xin sẽ ít có nguy cơ nhiễm bệnh hay mắc bệnh nặng. Theo tài liệu này, vắc xin giúp giảm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong ở bệnh nhân Covid-19 đến 10 lần, giảm nguy cơ nhiễm bệnh khoảng 3 lần.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm