1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

WHO cảnh báo Delta phá hủy thành quả chống dịch của thế giới

Minh Phương

(Dân trí) - Thế giới đang có nguy cơ để mất những thành quả rất nỗ lực mới có được trong cuộc chiến chống Covid-19 khi biến chủng Delta lan rộng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.

WHO cảnh báo Delta phá hủy thành quả chống dịch của thế giới - 1

Nhân viên y tế di chuyển một thi thể của một bệnh nhân chết khi cách ly tại nhà ở Indonesia hôm 28/7 (Ảnh: AFP).

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 30/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca Covid-19 mới ở hầu hết các khu vực trên thế giới đã tăng 80% trong 4 tuần trở lại đây. Tại châu Phi, nơi mới chỉ có khoảng 1,5% dân số được tiêm chủng, số ca tử vong vì Covid-19 cũng tăng 80% trong thời gian này.

"Thành quả rất khó khăn mới có được của thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19 đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ mất đi và hệ thống y tế ở nhiều quốc gia đang bị quá tải", ông Tedros nói.

Biến chủng Delta đang tạo ra thách thức mới cho cuộc chiến ứng phó đại dịch của thế giới, thậm chí cả những quốc gia từng được coi là hình mẫu chống dịch. Theo WHO, Delta đã lan ra ít nhất 132 quốc gia, vùng lãnh thổ và hiện là biến chủng trội toàn cầu.

Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách Covid-19 của WHO, cho biết đến nay đây là biến chủng dễ lây lan nhất, hơn khoảng 50% so với các chủng cũ của virus SARS-CoV-2. Bà Kerkhove nói, một số quốc gia ghi nhận tỷ lệ người nhập viện do Covid-19 tăng, tuy nhiên biến chủng Delta không làm tăng tỷ lệ tử vong ở người mắc Covid-19.

Trước đó, New York Times dẫn một tài liệu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, Delta dễ lây lan như thủy đậu, trung bình mỗi người nhiễm biến chủng Delta có thể lây bệnh cho trung bình 8-9 người. Với các chủng ban đầu, mỗi người bệnh chỉ lây lan virus cho khoảng 2 người, tương tự bệnh cảm cúm thông thường. Delta cũng có thể gây bệnh nặng hơn cho người mắc Covid-19.

Tuy vậy, cả CDC Mỹ và WHO đều nhấn mạnh đến hiệu quả của các vắc xin hiện thời trong việc đối phó Delta. Theo CDC Mỹ, vắc xin giúp giảm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong ở bệnh nhân Covid-19 đến 10 lần, giảm nguy cơ nhiễm bệnh khoảng 3 lần.

Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết các vắc xin hiện tại được WHO phê chuẩn đều có hiệu quả đáng kể trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng, nguy cơ nhập viện ở người nhiễm bất cứ biến chủng nào của SARS-CoV-2, trong đó có cả Delta. "Chúng ta đang chiến đấu với cùng một loại virus nhưng virus đã trở nên dễ lây lan hơn, dễ thích ứng để truyền bệnh từ người sang người hơn, sự thay đổi là ở chỗ đó", ông Ryan nói.

Dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 200 triệu ca mắc, trong đó hơn 4 triệu người đã tử vong. WHO kêu gọi các nước chia sẻ vắc xin và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng để đạt mục tiêu tất cả các nước tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số vào giữa năm sau ngăn chặn đà lây lan và biến chủng của virus.