1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bước đi mạo hiểm của tình báo Mỹ trong cuộc chiến thông tin chống Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Trái ngược với quá khứ, Mỹ đang sử dụng thông tin tình báo để chống lại một cuộc chiến thông tin với Nga, ngay cả khi thông tin tình báo đó đúng hay sai.

Bước đi mạo hiểm của tình báo Mỹ trong cuộc chiến thông tin chống Nga - 1

Mỹ liên tục tung những thông tin tình báo nhắm vào Nga trong chiến sự ở Ukraine (Ảnh minh họa: AFP).

"Đó không cần phải là thông tin tình báo đáng tin cậy. Điều quan trọng hơn là phải vượt lên trước họ (người Nga), cụ thể là Tổng thống Putin, trước khi họ làm điều gì đó", một quan chức Mỹ thừa nhận. 

NBC News đưa tin, Mỹ từng đưa ra tuyên bố gây chú ý trên khắp thế giới: Nga có thể đang chuẩn bị sử dụng các chất hóa học ở Ukraine. Thậm chí, Tổng thống Joe Biden sau đó cũng công khai nói về điều này. Tuy nhiên, 3 quan chức Mỹ đã thừa nhận với NBC News trong tuần này rằng, không hề có bằng chứng nào cho thấy Nga đưa bất kỳ vũ khí hóa học nào đến gần Ukraine.

Ba quan chức trên nói rằng, trên thực tế, Mỹ đã tung ra tin này để ngăn chặn Nga sử dụng các loại vũ khí bị cấm ở Ukraine.

Đó là một trong số các ví dụ về việc chính quyền Tổng thống Biden phá vỡ tiền lệ gần đây bằng cách triển khai các thông tin tình báo đã giải mật như một phần của cuộc chiến thông tin chống lại Nga.

Các quan chức cho biết, chính quyền Mỹ đã làm như vậy ngay cả khi thông tin tình báo không đáng tin cậy chỉ để nhằm mục đích khiến Nga mất bình tĩnh.

Dưới sự điều phối của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, các giới chức nước này đã liên tục tung ra các thông tin tình báo. Các cơ quan tình báo phải điều thêm nhân viên để giải mật, kiểm tra thông tin để không phản bội các nguồn tin và các phương pháp lấy tin.

Lợi bất cập hại

Các nhà quan sát xem đây là một chiến lược táo bạo và thành công cho đến nay, nhưng cũng đầy rủi ro.

"Nó chắc chắn đã làm suy yếu và phá hủy vũ khí thông tin sai lệch của Điện Kremlin", Tim Weiner, tác giả cuốn lịch sử của CIA công bố năm 2006 và cuốn "Sự điên rồ và Vinh quang", viết về sự kình địch giữa Mỹ và Nga trong nhiều thập niên, nhận định. 

Chính quyền ông Biden đã bắt đầu công bố hàng loạt thông tin tình báo về những gì họ cho là kế hoạch và ý định của Nga ngay cả trước khi chiến sự ở Ukraine bắt đầu.

Chỉ trong tuần này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đứng trên bục Nhà Trắng và đọc những gì các quan chức Mỹ cho là thông tin tình báo được giải mật, khẳng định việc Nga rút quân khỏi các khu vực quanh Kiev không phải là một cuộc rút lui mà là một sự tái triển khai chiến lược.

Một quan chức chính phủ phương Tây quen thuộc với chiến lược trên cho biết, ý tưởng là nhằm đánh chặn trước và phá vỡ chiến thuật của Điện Kremlin, làm phức tạp thêm chiến dịch quân sự của họ.

Nhiều quan chức Mỹ thừa nhận đã sử dụng thông tin như một vũ khí ngay cả khi không tin về độ chính xác của nó. Đôi khi họ đã sử dụng thông tin tình báo có độ tin cậy thấp để có tác dụng răn đe. Tuy nhiên, một số quan chức tin rằng, nỗ lực này là quá khó.

Giám đốc CIA William Burns, cựu Đại sứ tại Nga, nói với các nghị sĩ Mỹ tại cuộc điều trần vào tháng 3 rằng: "Trong tất cả những năm làm nghề ngoại giao, tôi đã chứng kiến quá nhiều lần chúng tôi thua trong cuộc chiến thông tin với người Nga".

Giờ đây, ông Burns nói rằng, chiến lược sử dụng thông tin tình báo như một loại vũ khí đã mang lại "lợi ích thực sự đối với người Ukraine".

Nhưng theo nhiều chuyên gia, chiến lược này cũng có những nguy hiểm như nếu thông tin tình báo Mỹ tung ra bị chứng minh là sai rõ ràng, nó sẽ gây tổn hại cực kỳ lớn đến uy tín của Mỹ và giúp Moscow hưởng lợi.