"Bức tường thành" chặn biến chủng Delta lan như "cháy rừng"
(Dân trí) - Việc tiêm chủng vắc xin trên diện rộng có thể được xem là biện pháp hiệu quả để đối phó với biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng toàn cầu.
Biến chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, cho đến nay đã xuất hiện ở ít nhất 92 quốc gia và được coi là biến chủng "nguy hiểm nhất" của virus gây đại dịch Covid-19. Biến chủng này có khả năng tấn công dễ dàng những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng, dịch Covid-19 đang lan nhanh "như cháy rừng" và các biến chủng của virus có nguy cơ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn.
Theo nghiên cứu được thực hiện ở Anh, nơi biến chủng Delta chiếm 99% số ca mắc Covid-19 mới, biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 60% so với biến chủng Alpha từng phổ biến trước đây. Biến chủng Delta cũng khiến người nhiễm có nguy cơ nhập viện cao hơn, thậm chí xảy ra tình trạng kháng vắc xin, đặc biệt đối với những người mới được tiêm một liều.
"Vấn đề ở đây là mọi thứ đều phụ thuộc vào vắc xin, cho tới khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Cần có mức độ bao phủ vắc xin cao hơn nhiều để chống lại một biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn", Tiến sĩ Stephen Griffin, nhà nghiên cứu về virus và là giảng viên tại Trường Y thuộc Đại học Leeds, nhận định.
"Điều đó nói lên thực tế rằng, chúng ta thực sự chỉ có thể giảm được số ca nhiễm cùng lúc với việc triển khai tiêm vắc xin", Tiến sĩ Griffin nói thêm.
Lời kêu gọi tiêm vắc xin được đưa ra khi Australia công bố nghiên cứu cho thấy khả năng lây nhiễm của biến chủng Delta. Dựa trên hình ảnh ghi lại từ camera an ninh, giới chức y tế chỉ ra rằng, virus đã được truyền đi "một cách đáng sợ" trong những cuộc tiếp xúc chỉ kéo dài từ 5-10 giây giữa những người đi ngang qua nhau tại một khu mua sắm trong nhà ở Sydney.
Vào thời điểm đó, không có quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở Sydney và chưa đến 5% dân số Australia được tiêm cả 2 liều vắc xin. Sydney và một số khu vực lân cận đã bắt đầu áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ 26/6, nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây kêu gọi những người đã được tiêm phòng đầy đủ vẫn phải thực hiện các biện pháp an toàn bằng cách tiếp tục đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp an toàn khác như tránh tụ tập đông người để đối phó với biến chủng Delta.
Ngày 25/6, Israel, nơi khoảng 55% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, đã áp đặt lại quy định về đeo khẩu trang để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm liên quan tới biến chủng Delta. Quy định này được đưa ra chỉ 10 ngày sau khi Israel gỡ bỏ. Số ca nhiễm tại Israel đã tăng gấp 4 lần vào tuần trước, do 2 vụ bùng phát dịch ở trường học.
"Hy vọng vắc xin sẽ giúp chúng tôi tránh viễn cảnh số ca nhập viện tăng và bệnh tình của người nhiễm trở nặng", Nachman Ash, lãnh đạo nhóm chuyên trách ứng phó Covid-19 của Israel, cho biết hôm 25/6.
Theo giáo sư Catherine Noakes, một thành viên của Nhóm cố vấn khoa học về các trường hợp khẩn cấp của Anh và là chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Leeds, "kịch bản lý tưởng là chúng ta xây dựng bức tường thành vắc xin của mình trước khi các biến chủng xâm nhập", vì điều đó có nghĩa là ngay cả khi dịch bệnh bùng phát, vẫn có thể kiểm soát được tình hình và số ca nhiễm không tăng lên.
Chuyên gia Noakes cho rằng hiện vẫn chưa đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng cần thiết, do vậy nếu số ca nhiễm tăng lên, nhiều người sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Ông cũng khuyến cáo không bỏ qua trẻ em trong các chiến dịch tiêm chủng.
"Nếu làm được điều đó, chúng ta có thể kết thúc chu kỳ biến chủng của virus", chuyên gia Noaeks nhận định.