Nguyễn Hồng Quân

Bức tranh thế giới 2024 có thể diễn ra thế nào?

Bức tranh thế giới 2024 có thể diễn ra thế nào? - 1

Màn trình diễn ánh sáng hoành tráng tại tòa nhà cao nhất thé giới Burj Khalifa ở Dubai vào tối ngày 31/12/2023 để chào đón năm mới 2024 (Ảnh: Reuters).

Những vấn đề tiếp nối từ năm 2023

Hết năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, giảm từ 3,5% (năm 2022) xuống 3,0%, trong khi mức trung bình từ 2000 đến năm 2019 là 3,8%. Lạm phát sẽ giảm đều đặn, từ 8,7% năm 2022 xuống 6,9% năm 2023.

Các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas khiến căng thẳng địa chính trị gia tăng, cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thế giới trải qua những khó khăn về giá năng lượng và lương thực.

Nếu cuộc chiến Nga - Ukraine khiến các nước Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết lại với nhau, cuộc chiến Israel - Hamas lại khiến chia rẽ nổi lên: Mỹ khẳng định Israel có quyền tự vệ, trong khi EU bất đồng gay gắt về quan điểm mà khối này nên đảm nhận. Xã hội phương Tây chia rẽ. 

Các liên minh và đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dường như sâu sắc và mạnh mẽ hơn. Quan hệ Mỹ - Hàn Quốc được tăng cường, Hàn Quốc mở rộng chia sẻ thông tin và phối hợp với Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân. Tháng 3/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thăm chính thức Nhật Bản sau hơn một thập niên. Tháng 8/2023, hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn đầu tiên tổ chức tại Trại David (Mỹ). 

Một số quốc gia Đông Nam Á đã tăng cường quan hệ với Mỹ. Đầu năm 2023, Philippines đã nâng số lượng căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ từ 5 lên 9 căn cứ nhằm dự phòng tình huống tương lai.

Tháng 11/2023, Indonesia - Mỹ đã nâng tầm quan hệ lên chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Nhà Trắng của Tổng thống Joko Widodo. Singapore tiếp tục cho phép Mỹ tiếp cận căn cứ Changi, đồng thời tham gia tập trận quân sự với Mỹ và đồng minh. 

Tại Nam Á, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ và Ấn Độ đạt đến tầm cao mới. Hai nước mở rộng hợp tác an ninh, Hải quân Mỹ được sử dụng các cảng Ấn Độ. Australia và Mỹ không chỉ hợp tác trong khuôn khổ AUKUS mà còn hợp tác về sử dụng căn cứ chung, sản xuất vũ khí, tăng cường hoạt động trên không. New Zealand cũng có nhiều quan điểm tương đồng với Mỹ khi các mối đe dọa ngày càng gia tăng.

Các quốc đảo Thái Bình Dương như Palau và Micronesia đều mời Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự trên lãnh thổ, trong khi Quần đảo Marshall cho phép quân đội Mỹ tiếp cận hầu như không bị hạn chế lãnh thổ, không phận và vùng biển xung quanh. Theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ - Papua New Guinea ký tháng 5/2023, quân đội Mỹ được hoạt động tại 6 địa điểm và Papua New Guinea tham gia vào chương trình Shiprider của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ.

Tháng 8/2023, Thủ tướng Mông Cổ đã thăm Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Động thái này khiến Trung Quốc không thể lơ là quốc gia sát sườn, cũng như Nga không thể xem nhẹ nước láng giềng Mông Cổ.

Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, đẩy các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á lại gần nhau hơn. Hoạt động của quân đội Myanmar với các nhóm phiến quân cũng như ảnh hưởng an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Myanmar gây quan ngại đối với ASEAN. Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng quân đội đạt "đẳng cấp thế giới". Hải quân Mỹ vẫn điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và bán vũ khí cho Đài Loan. Trung - Nga tăng cường quan hệ đối tác từ tháng 2/2022 thành quan hệ "không giới hạn". 

Một số quan điểm bày tỏ lo ngại về việc quần đảo Solomon có thể là nơi đặt căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc trong khu vực, cũng như lo ngại về hoạt động nghề cá của Trung Quốc tại Kiribati.

"Xây dựng lại niềm tin và khôi phục hy vọng"

Bức tranh thế giới 2024 có thể diễn ra thế nào? - 2

Cả ông Joe Biden (phải) và ông Vladimir Putin đều là ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử tại Mỹ và Nga vào năm 2024 (Ảnh: Reuters).

Dự báo trong năm 2024, các cuộc xung đột ở Ukraine, Gaza, Yemen, cùng với dư chấn của đại dịch Covid-19, tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Lạm phát tại các nước có thể vẫn ở mức cao. Các cuộc xung đột dai dẳng tiếp tục ảnh hưởng đến  giá cả hàng hóa, dầu lửa, ngũ cốc.

Chuỗi cung ứng chưa hết gián đoạn, sau khi sụt giảm đều đặn trong suốt cả năm, giá cước vận chuyển hàng hóa đã nhích lên do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào các tàu hoạt động vận tải ở Biển Đỏ.

Hàng hóa đắt đỏ hơn và có thể bị chậm trễ, các nhà sản xuất, nhà máy lọc dầu và các công ty hậu cần có thể phải đối mặt với thời kỳ đầy thử thách.

Giá năng lượng, lương thực tăng năm 2024 dự kiến còn tăng, do hạn hán một số nơi trên thế giới ảnh hưởng năng suất vụ mùa, khiến chi phí hộ gia đình và doanh nghiệp tăng vọt, khủng hoảng chi phí sinh hoạt và sản xuất. 

Tốc độ tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có thể đều giảm trong năm 2024. Kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% năm 2024, từ mức 2,4% năm 2023. Trung Quốc gặp khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng; xuất khẩu chậm lại, dự kiến tăng trưởng giảm từ 5,2% năm 2023 xuống 4,6% năm 2024.

Năm 2024, hàng chục cuộc bầu cử sẽ diễn ra. Trước thềm cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2024, với cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên hiện nay, chính sách của chính quyền Mỹ tương lai trở nên khó đoán định hơn.

Cùng với mối đe dọa ngày càng tăng ở Đông Bắc Á, cũng như động lực mạnh mẽ củng cố các liên minh và đối tác của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhiều khả năng chính quyền tiếp theo ở Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trật tự thế giới ngày càng trở nên đa cực, đa trung tâm hơn. Khối BRICS mở rộng  là cơ hội để các quốc gia đang phát triển đối trọng với các thể chế phương Tây. Tuy nhiên, BRICS mở rộng sẽ nhiều thành viên hơn, làm phức tạp hơn cách tiếp cận dựa trên cơ sở đồng thuận.

Việc kết hợp giữa các đối thủ của Mỹ (như Nga, Iran) với các đối tác của Mỹ (như Brazil, Ấn Độ) trong BRICS mở rộng khiến Mỹ phải xem xét lợi ích an ninh có thể chia sẻ đến mức nào với các đối tác này.

Cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn diễn ra tại hầu hết khu vực, trọng tâm là châu Á - Thái Bình Dương, nơi có hiện diện của hai siêu cường Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn khác như Nhật Bản, Nga, Ấn Độ...

Quan hệ Mỹ - Trung khó dự đoán khi 2024 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Ứng cử viên của đảng nào có thể cũng coi Trung Quốc là tâm điểm trong chính sách đối ngoại.

Cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc vẫn là 4 chữ "C", tức "3 điều nên làm và 1 điều nên tránh". Đó là: "Cooperation" (hợp tác) khi có thể, "Compete" (cạnh tranh) khi thích hợp, "Confront" (đối đầu) khi cần thiết và tuyệt đối tránh "Conflict" (xung đột) trực tiếp.

Cạnh tranh gay gắt Mỹ và Trung Quốc tạo những thách thức to lớn đối với thế giới nói chung, ASEAN nói riêng. Khả năng đối đầu trực tiếp Mỹ - Trung Quốc hay Mỹ - Nga là vô cùng hiếm, do không bên nào có thể áp đảo được bên kia; thiệt hại vượt quá sức chịu đựng; không nước nào dám hy sinh lợi ích để các quốc gia khác được hưởng lợi và nếu xung đột trực tiếp, hậu quả sẽ khôn lường.

Cạnh tranh quân sự Mỹ - Trung Quốc đẩy Philippines nghiêng về Mỹ, cho phép Mỹ mở thêm 4 căn cứ quân sự ở phía đông, ký hiệp ước an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản (JAPHUS) và tìm cách tránh bị kéo vào xung đột nếu xảy ra ở Đài Loan.

Mặt khác, Philippines có thể mượn thỏa thuận này để bảo vệ ngư dân và vùng biển, cho phép các bên phối hợp rộng lớn hơn, đối phó với hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển Trung Quốc.

Mỹ và Nhật Bản có thể hỗ trợ Philippines về thiết bị và công nghệ quân sự, tăng cường khả năng hợp tác, giám sát và trinh sát ở Biển Đông. Nếu Indonesia hạn chế tàu ngầm Australia đi qua vùng biển, Philippines hy vọng AUKUS "hỗ trợ theo đuổi hợp tác khu vực sâu sắc hơn và duy trì sức sống và khả năng phục hồi kinh tế".

Kinh tế thế giới và khu vực năm 2023 phát triển chậm lại, báo hiệu viễn cảnh khó khăn trong năm 2024. Cạnh tranh giữa các nước lớn thêm gay gắt. Các cuộc chiến tranh, xung đột sẽ làm cục diện thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó đoán định.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục nêu cao độc lập, tự chủ chiến lược, giữ cân bằng quan hệ với các nước lớn, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại để bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Trong thông điệp năm mới 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi nhân dân thế giới cùng đoàn kết để đưa 2024 trở thành năm của xây dựng lại niềm tin và hy vọng .

"Nhân loại mạnh mẽ nhất khi chúng ta cùng nhau sát cánh. 2024 phải là năm để xây dựng lại niềm tin và khôi phục hy vọng", ông Guterres nhấn mạnh.

Tác giả: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.