Brexit và ngày lịch sử của châu Âu
Vương quốc Anh sẽ rời Liên minh châu Âu sau 47 năm làm một thành viên đầy đủ và trọn vẹn của khối này.
Ngày 31/1, Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu – EU, đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ gắn bó nhưng cũng nhiều sóng gió kể từ khi nước này gia nhập Liên minh năm 1973.
Đúng 23h đêm nay, giờ London, tức 0h ngày 01/02/2020 theo giờ Trung Âu, Brexit sẽ chính thức có hiệu lực. Vương quốc Anh sẽ rời Liên minh châu Âu sau 47 năm làm một thành viên đầy đủ và trọn vẹn của khối này.
Chiếc đồng hồ Big Ben tại thủ đô London sẽ không thể gióng lên hồi chuông như dự định để ghi dấu thời khắc lịch sử nhưng đây sẽ là cột mốc quan trọng hàng đầu của châu Âu đầu thế kỷ 21.
Cho đến nửa đêm ngày 30/01, vẫn còn hàng nghìn người không tin đây là sự thật. Các đám đông vẫn tập trung trước toà nhà Hạ viện Anh và hát vang các bài hát ủng hộ châu Âu, ủng hộ việc nước Anh ở lại trong Liên minh châu Âu. Ở phía bên kia, bất chấp mưa lớn, cũng đã có hàng trăm người đã tập trung trong tối 30/01 tại Quảng trường lớn (Grand Place) ở thủ đô Brussels để tham dự lễ trình chiếu ánh sáng chia tay với Vương quốc Anh.
Đến thời điểm này, Brexit không còn mang lại những căng thẳng, mệt mỏi. Trong tối 29/01, các nghị sĩ châu Âu và Anh đã cùng nhau hát vang bài hát “Auld Lang Syne” để nói lời từ biệt. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Ursula von der Leyen tuyên bố “châu Âu sẽ nhớ nước Anh” và Vương quốc Anh vẫn mãi là một phần đặc biệt của châu Âu.
Trong một bài báo viết chung trên tờ Nhật báo Frankfurt xuất bản ngày 30/01, cả 3 lãnh đạo cao nhất của EU là bà Von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu, David Sassoli cũng khẳng định, sẽ tìm mọi cách để xây dựng một quan hệ chặt chẽ với Vương quốc Anh như một đồng minh, đối tác và bạn bè thân thiết.
Tuy nhiên, phía sau tất cả những tuyên bố đầy cảm thông và thiện chí từ phía châu Âu, Brexit là một thất bại lịch sử của Liên minh châu Âu, khi những bất cập trong quản trị của khối này đã tạo ra những chia rẽ không thể hàn gắn giữa các thành phần công dân khác nhau trong khối. Đây là một cú sốc địa chính trị lớn với các tác động lâu dài về chiến lược đối với Liên minh châu Âu.
Những gì chờ đợi trước mắt cũng sẽ không êm ả. Lời đáp lễ từ phía Anh sẽ được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra trong chiều nay trong bài diễn văn đọc trước Hạ viện Anh, trong đó ông Boris Johnson sẽ lần đầu tiên nêu ra các tiêu chí của Vương quốc Anh cho cuộc đàm phán sắp tới về quan hệ tương lai giữa hai bên.
Đây được dự đoán sẽ là những cuộc đàm phán căng thẳng và khó khăn hơn cả những đàm phán Brexit trong hơn 2 năm qua, vì không chỉ liên quan đến khía cạnh kinh tế mà còn cả về chính trị, an ninh và đặc biệt là cách thức dung hoà các khác biệt về mô hình phát triển tương lai mà hai bên muốn hướng tới.
Thời gian cũng là một thách thức lớn, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn tất cả phải hoàn tất trong năm 2020, dù các thông tin phát đi từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho thấy, sớm nhất thì cũng đến đầu tháng 3/2020 các bên mới có thể chính thức đàm phán.
Theo Quang Dũng
VOV-Paris