Bóng ma chiến tranh rình rập bán đảo Triều Tiên thời chính quyền Bill Clinton
(Dân trí) - Lời đe dọa tấn công Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa hồi cuối tuần qua không phải là lần đầu tiên Mỹ cân nhắc hành động quân sự đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Tuy nhiên, không dễ để Washington quyết định tấn công quân sự Bình Nhưỡng bởi động thái này có thể dẫn tới nguy cơ khủng hoảng rất cao.
Mỹ từng định dùng hành động quân sự với Triều Tiên
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Á đang nóng hơn bao giờ hết khi Triều Tiên liên tục phô trương sức mạnh hạt nhân và tên lửa. Mặc dù vụ phóng thử tên lửa hồi cuối tuần qua của Bình Nhưỡng thất bại nhưng điều đó vẫn cho thấy Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Căng thẳng leo thang tới mức chính quyền Mỹ đã phải lên tiếng cảnh báo sẽ làm mọi cách để ngăn cản Triều Tiên, kể cả phải dùng tới biện pháp quân sự.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ tính dùng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Năm 1994, chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton đã cân nhắc lựa chọn này khi Triều Tiên cấm các thanh sát viên quốc tế tới Bình Nhưỡng để kiểm tra tình hình thực hiện Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Có bằng chứng cho thấy Triều Tiên khi đó vẫn đang tiếp tục sản xuất plutonium tại một trong những lò phản ứng ở Yongbyon và có khả năng chế tạo hai quả bom hạt nhân.
Kể về những phản ứng của chính quyền Mỹ khi đó với những động thái của Triều Tiên, cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết: “Tôi đã quyết định ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, thậm chí là nguy cơ xảy ra chiến tranh”. Cựu Tổng thống Clinton đã chỉ thị Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là William Perry đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về quan điểm của Washington trên báo chí, truyền thông.
“Ông Perry đã có những phát ngôn cứng rắn, thậm chí cho rằng nước Mỹ không loại trừ khả năng tấn công quân sự. Đó là cách khiến Bình Nhưỡng hiểu rằng chúng tôi hoàn toàn nghiêm túc trong vấn đề này”, cựu Tổng thống Bill Clinton kết lại.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry sau đó xác nhận Mỹ cân nhắc nghiêm túc việc tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Thế giới khi ấy đang ở rất gần một cuộc xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên.
Rất may chiến sự đã không xảy ra vào phút chót. Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã liên lạc với ông Clinton và ngỏ ý muốn tới Bình Nhưỡng để thương lượng với giới lãnh đạo Triều Tiên. Ban đầu ông Clinton khá ngần ngại với đề xuất này nhưng sau đó cũng chấp thuận dù không mấy mặn mà. Tuy nhiên, điều này cũng đủ để ông Carter có được cơ hội thương thảo với Bình Nhưỡng về kiềm chế chương trình sản xuất plutonium của nước này.
Cựu Tổng thống Clinton thừa nhận rằng một trong những lý do khiến ông rút lại ý định không kích các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên là do đã nhận ra “nguy cơ thiệt hại nặng nề cho cả hai bên”. Ông hy vọng Tổng thống Donald Trump và các cố vấn của mình cũng cân nhắc tới những điều này khi quyết định tấn công quân sự Triều Tiên.
Cảnh báo hậu quả khôn lường
Nhiều khả năng Mỹ sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên điều này có thể dẫn đến những thảm họa nhân đạo tồi tệ. Không quân Mỹ có thể dễ dàng phá hủy các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, song cũng có khả năng việc Washington sử dụng “mẹ của các loại bom” sẽ gây thiệt hại đến người dân Triều Tiên và Hàn Quốc sống ở gần khu vực phi quân sự giữa hai nước.
Mặc dù các cuộc tấn công hạt nhân có thể khiến Triều Tiên từ bỏ ý định, song Tổng thống Trump chắc chắn sẽ không liều lĩnh đưa ra quyết định này. Thậm chí nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự thế giới.
Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại rằng Washington có ý định nghiêm túc trong việc tấn công Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo các bên kiềm chế, cho rằng sẽ không ai có lợi nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc cũng đang được triển khai tại các khu vực phía Đông Bắc, cho thấy sự chuẩn bị của Bắc Kinh trong trường hợp Washington thực hiện ý định tấn công. Bắc Kinh cũng lo ngại người Triều Tiên sẽ ồ ạt đổ sang Trung Quốc tị nạn nếu xảy ra chiến tranh.
Rõ ràng không đơn giản để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Một trong các biện pháp là Mỹ hối thúc Trung Quốc tích cực hơn trong việc kêu gọi Triều Tiên kiềm chế. Trung Quốc được cho là có ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên nhưng chắc chắn Bắc Kinh không muốn nhìn thấy “người anh em” này sụp đổ.
Một lựa chọn khác là Mỹ có thể tiến hành các cuộc đối thoại nghiêm túc và cứng rắn hơn với Triều Tiên, thậm chí có thể dẫn tới một “cuộc mặc cả lớn”. Điều này có thể khiến Washington đưa ra một hiệp ước hòa bình cam kết chấm dứt xung đột trên bán đảo Triều Tiên, có sự công nhận ngoại giao đối với chính quyền Bình Nhưỡng và cho phép sự hiện diện của các đại sứ trên đất nước của nhau, chấm dứt các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Đổi lại, Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân và ít nhất là hạn chế việc phóng thử tên lửa.
"Cuộc mặc cả" này có thể giúp Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích, qua đó mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực Đông Á. Tuy nhiên cũng có khả năng những chính sách này sẽ không phát huy hiệu quả và không có cách nào để kiềm chế Triều Tiên. Tuy nhiên, bất cứ biện pháp nào cũng là lựa chọn tốt hơn hành động quân sự. Thậm chí những hậu quả của xung đột quân sự giờ đây còn lớn hơn rất nhiều.
Nhật Minh
Theo National Interest