1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Bông hồng thép” Mỹ kể chuyện chôn vùi khủng bố từ tiêm kích “ong bắp cày”

(Dân trí) - Caroline Johnson là một trong những nữ quân nhân đầu tiên của Mỹ dùng bom từ máy bay chiến đấu F/A-18 dội xuống sào huyệt khủng bố IS tại Iraq.

“Bông hồng thép” Mỹ kể chuyện chôn vùi khủng bố từ tiêm kích “ong bắp cày” - 1

Cô Caroline Johnson (Ảnh: MT)

“Không có chỗ cho sự hồi hộp khi bạn ngồi trong buồng lái của tiêm kích “ong bắp cày” F/A-18. Bạn sẽ phải tập trung cao độ, bạn không có thời gian để sợ hãi, để nghĩ về việc bị bắn hay không”, cựu sĩ quan hải quân Johnson, người đã tham gia vào các nhiệm vụ chiến đấu chống khủng bố ở Afghanistan, Iraq và Syria, chia sẻ.  

Johnson đang phục vụ trong lực lượng dự bị hải quân và là một diễn giả chuyên nghiệp, một nhà hoạt động, theo Military Times. Khi còn là sĩ quan phụ trách vũ khí ở hải quân Mỹ, Johnson đã từng tham gia vào nhiệm vụ tấn công khủng bố và cô phụ trách về tên lửa và bom trên tiêm kích 2 chỗ ngồi F/A-18F.

Năm 2014, Johnson đã thực hiện 42 nhiệm vụ tác chiến và trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên cắt bom xuống mục tiêu Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, Johnson đã rời khỏi lực lượng tác chiến thường trực. Cô mới xuất bản cuốn hồi ký mang tên: “Cô gái tiêm kích: Cuộc đời trong chiến tranh, hòa bình và trong buồng lái của máy bay chiến đấu sát thương cao nhất của hải quân, F/A-18 Super Hornet”.

“Bông hồng thép” Mỹ kể chuyện chôn vùi khủng bố từ tiêm kích “ong bắp cày” - 2

(Ảnh: RCD)

Năm 2011, Johnson đạt đủ tiêu chuẩn để được lên buồng lái F/A-18. Tới năm 2014, cô lên tàu sân bay USS George H.W. Bush tới thực hiện nhiệm vụ ở Afghanistan, rồi đi qua eo biển Hormuz để hỗ trợ chiến dịch “Nhổ tận gốc” ở Iraq và Syria để chống lại IS.

Ban đầu, Johnson và những người đồng đội khác thực hiện các chuyến bay trinh thám và thu thập tin tức tình báo. Cô đã tận mắt chứng kiến tội ác của IS với dân thường ở khu vực Trung Đông. Chính vì thế, sau khi cựu Tổng thống Barack Obama chính thức cho phép quân đội Mỹ dùng vũ lực sát thương với IS, Johnson đã rất sẵn sàng lái chiếc F/A-18 và thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt khủng bố.

Trong nhiệm vụ đầu tiên, Johnson đã thả 2 quả bom dẫn đường bằng laser GBU-54 xuống 2 xe bọc thép của IS và bắn một tên lửa dẫn đường laser vào một chiếc xe thiết giáp của khủng bố.  

Tổng cộng, Johnson đã tiêu diệt 16 phiến quân IS và thực hiện 250 giờ bay chiến đấu.

“Điều này thách thức tôi về mặt thể xác và tâm lý nhiều hơn những gì tôi có thể tưởng tượng. Đó là một trong những trải nghiệm rùng rợn, đáng sợ nhất tôi từng trải qua”, Johnson nói.

“Bông hồng thép” Mỹ kể chuyện chôn vùi khủng bố từ tiêm kích “ong bắp cày” - 3

Johnson trên tiêm kích F/A-18 (Ảnh: Instagram)

Có khoảng 18% phụ nữ phục vụ trong lực lượng thường trực của hải quân Mỹ, theo dữ liệu năm 2015 của Lầu Năm Góc. Những phụ nữ đạt chuẩn để được lên buồng lái F/A-18 còn thấp hơn nữa, chỉ vào khoảng 1,7%.

Phục vụ hải quân trong môi trường áp đảo bởi nam giới đã đặt lên Johnson rất nhiều áp lực. Cô cho biết, các cựu đồng đội của cô trong quân đội Mỹ vẫn còn những quan điểm phân biệt đối với phụ nữ và điều này khiến cô gặp không ít khó khăn.

Chính vì vậy, sau khi rời khỏi lực lượng chiến đấu thường trực, Johnson đã quay trở về đời thường và lựa chọn hướng đi cho bản thân là một nhà hoạt động vì quyền lợi cho phụ nữ trong ngành hàng không liên quan tới tình trạng phân biệt đối xử với nữ giới.

Đức Hoàng

Theo Business Insider