1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Boeing đứng trước nguy cơ mất hợp đồng 12 tỷ USD

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Nhà sản xuất máy bay lớn nhất nước Mỹ Boeing đang phải đối mặt với nguy cơ mất hợp đồng trị giá 12 tỷ USD do căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út.

Boeing đứng trước nguy cơ mất hợp đồng 12 tỷ USD - 1
Máy bay Boeing 787 cất cánh (Ảnh: Getty).

Nhà sản xuất máy bay lớn nhất nước Mỹ Boeing đang gặp phải thách thức rất lớn trong thương vụ trị giá 12 tỷ USD nhằm bán các máy bay thân rộng cho Ả Rập Xê Út.

Theo hãng tin Bloomberg, nếu thành công trong thương vụ này, Boeing có thể bán được tới 80 máy bay Boeing 787 đời mới cho quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, Reuters ngày 24/10 đưa tin tập đoàn hàng không Airbus, đối thủ lớn nhất của Boeing, đang tích cực đàm phán với nhà chức trách Ả Rập Xê Út để bán các máy bay thân rộng Airbus A350 cho nước này.

Từ trước tới nay, hãng hàng không quốc gia Saudia của Ả Rập Xê Út vẫn duy trì một đội bay với các máy bay thân rộng Boeing 787 và Boeing 777. Các máy bay do Airbus chế tạo cũng được Saudia sử dụng nhưng phần lớn phi đội Airbus của hãng hàng không này là các máy bay thân hẹp với tầm bay từ ngắn đến trung bình. Vì vậy, việc Ả Rập Xê Út đàm phán mua máy bay Airbus A350, đối thủ chính của dòng máy bay Boeing 787, được xem là một tín hiệu không tốt với Boeing.

Theo giới quan sát, nguy cơ mất hợp đồng của Boeing đến từ mối quan hệ đang ngày càng trở nên căng thẳng giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út, đặc biệt là sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+) do Vương quốc này dẫn đầu quyết định cắt giảm sản lượng kể từ tháng 11.

Quyết định này đã khiến Mỹ nổi giận và cáo buộc OPEC "đứng về cùng một phía" với Nga. Washington D.C cho rằng, thế giới đã chịu đựng đủ từ việc giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đáp lại, Ả Rập Xê Út cho biết, động thái của các nhà xuất khẩu dầu quyền lực hàng đầu thế giới đơn thuần là để phản ứng với việc lãi suất tăng vọt ở phương Tây, nơi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang chậm trễ giảm thanh khoản, làm đồng USD tăng giá trị và khiến giá dầu giảm.

Các nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngừng bán vũ khí như là một động thái trả đũa Ả Rập Xê Út.

"Tôi sẽ không phê chuẩn bất cứ kế hoạch hợp tác nào với Riyadh cho đến khi Vương quốc này xem xét lại quan điểm đối với cuộc xung đột tại Ukraine. Quá đủ rồi", Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tuyên bố.

Đồng quan điểm với ông Menendez, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal và Hạ nghị sĩ Ro Khanna của đảng Dân chủ cho biết Mỹ cần phải có những động thái đáp trả quyết định trên của Ả Rập Xê Út.

"Quyết định của Ả Rập Xê Út là một đòn giáng mạnh vào Mỹ, nhưng chúng ta cũng có thể đáp trả bằng cách tạm dừng chuyển giao các công nghệ vũ khí quan trọng cho Riyadh. Nói một cách đơn giản, Mỹ không nên cung cấp các hệ thống phòng thủ chiến lược cho một đồng minh của đối thủ chúng ta", các ông Blumenthal và Khanna nhấn mạnh.

Theo Reuters