Boeing bị kiện đòi 336 triệu USD sau khi đơn hàng máy bay 737 Max bị hủy

(Dân trí) - Hãng chế tạo máy bay Boeing vừa bị một công ty cho thuê máy bay ở Kuwaiti kiện đòi 336 triệu USD sau khi đơn hàng sản xuất máy bay 737 Max bị huỷ.

Boeing bị kiện đòi 336 triệu USD sau khi đơn hàng máy bay 737 Max bị hủy - 1

Một công nhân đeo mặt nạ tại Nhà máy Boeing Renton, nơi sản xuất máy bay 737 Max. Ảnh: Jason Redmond | Reuters

Theo đó, trong đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang Chicago (Mỹ), Công ty Tài chính và cho thuê máy bay ALAFCO đã cáo buộc Boeing từ chối trả lại các khoản thanh toán tạm ứng cho đơn đặt hàng 40 máy bay 737 Max đã bị hủy.

ALAFCO cho rằng, Boeing vi phạm hợp đồng vì đã giữ các khoản thanh toán mà ALAFCO đã tạm ứng khi không thể giao đơn hàng máy bay này hoặc cung cấp một lịch giao hàng mới.

Đại diện của ALAFCO cho biết, công ty này đã hủy đơn đặt hàng với Boeing vào ngày 6/3 sau khi hãng này không giao được 9 máy bay đúng hạn.

ALAFCO cho rằng, đây là “một sự chậm trễ không thể tha thứ được” và yêu cầu Boeing hoàn lại số tiền đã tạm ứng. Tuy nhiên, Boeing đã không phản hồi ngay lập tức các yêu cầu trên. 

Hãng Boeing - có trụ sở tại Chicago – đã buộc phải đình chỉ sản xuất đối với dòng máy bay Boeing 737 Max vào tháng 3/2019 sau khi xảy ra vụ tai nạn khiến 346 người tử vong của hai máy bay 737 Max do hãng hàng không Lion Air và Etopian Airlines khai thác .

Boeing hiện cũng đang phải vật lộn với đại dịch virus corona khi buộc phải cắt giảm sản lượng do nhu cầu giảm và các rào cản hậu cần của việc giao máy bay. 

Theo trang web của ALAFCO, công ty này chuyên mua máy bay thương mại lớn và cho các hãng hàng không thuê lại. Chủ sở hữu lớn nhất của ALAFCO gồm Ngân hàng Kuwait Finance House, Tập đoàn đầu tư Gulf và Tập đoàn hàng không Kuwait Airways.

Vụ kiện khiến cho giá cổ phiếu của Boeing giảm mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá cổ phiếu Boeing đã giảm 1,36 USD xuống còn 134,97 USD/cổ phiếu. Hãng này đã mất 2/3 giá trị kể từ đầu tháng 3/2019, ngay trước khi dòng máy bay 737 Max bị đình chỉ sản xuất.

 Nhật Linh

Theo CNBC